Những hiện tượng thời tiết bất thường như mưa, lũ lụt, hạn hán, nắng nóng… xuất hiện với tần suất cao thời gian gần đây cho thấy, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp đã và đang tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội và phát triển bền vững của hành tinh. Phát thải khí nhà kính là một trong những nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Do đó, để có thể hạn chế mức thấp nhất sự ảnh hưởng tới môi trường cần có những giải pháp thiết thực, giảm phát thải khí nhà kính.
Chủ động thích ứng hiệu quả
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tập trung chủ yếu ở 3 lĩnh vực chính: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi (CO2e) chiếm 50%; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e chiếm 13%.
Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp thực hiện việc giảm phát thải thông qua các biện pháp khác nhau đã mang lại hiệu quả cao. Vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh với diện tích 10 ha ở xã Vị Trung và xã Vị Bình, huyện Vị Thủy (Hậu Giang). Các mô hình có hiệu quả thực tế, phù hợp với canh tác ở từng vùng kết hợp với tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác bài bản, căn cơ cho người dân có thể chủ động áp dụng. Cùng đó là đánh giá thêm các tiêu chí mới như cải thiện môi trường đất, tăng chất lượng lúa gạo, canh tác thân thiện môi trường và giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa. Việc thực hiện các kỹ thuật canh tác mới đã giảm đáng kể lượng giống, lượng phân bón, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, nhưng lúa vẫn đạt năng suất cao. Đồng thời, mô hình có sự áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, thu gom rơm rạ từ đồng ruộng ra ngoài giúp tăng hiệu quả canh tác, giảm thất thoát và tận dụng được các phụ phẩm sau thu hoạch. Theo ông Võ Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, với mô hình “Canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh”, nông dân được tập huấn, hướng dẫn ứng dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật canh tác, sau thu hoạch có doanh nghiệp bao tiêu. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, mô hình còn mang lại ý nghĩa về môi trường do giảm phát thải khí nhà kính.
Đồng Tháp là một trong 5 tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thực hiện thí điểm Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Việc thực hiện Mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi là “dấu mốc”, bắt đầu cho sự tập trung hành động của nông dân trong tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã… cùng nhau xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo theo hướng giảm phát thải carbon, nâng cao chất lượng, tăng giá trị của ngành hàng này. Từ mô hình mẫu, ngành nông nghiệp Đồng Tháp sẽ đúc kết kinh nghiệm thực tiễn sản xuất, nhân rộng diện tích thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Từng bước lan tỏa nhịp sản xuất mới đến với người canh tác lúa. Ông Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp thông tin, tỉnh sẽ triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tập trung tại một số địa phương có vùng chuyên canh lúa lớn như các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Cao Lãnh, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười và thành phố Hồng Ngự. Tỉnh Đồng Tháp đặt ra mục tiêu đến hết năm 2024, sẽ có khoảng 20.000 ha lúa tham gia Đề án, đến năm 2025 sẽ phát triển diện tích lên 50.000 ha và đến năm 2030 là 161.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp gắn với việc công nhận chứng chỉ carbon sắp tới cũng sẽ trở thành định hướng mà nông nghiệp Đắk Lắk mong muốn đạt được nhằm tạo sản phẩm đầu ra chất lượng tốt hơn, cũng như xây dựng thương hiệu nông sản thân thiện với môi trường và chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon khi thị trường này được hoạt động vào năm 2028. Điều này buộc ngành nông nghiệp các địa phương phải thay đổi cách làm để tiếp cận với nền nông nghiệp xanh, sản xuất lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính trong thời gian tới. Các giải pháp được đưa ra là thúc đẩy quản lý nước thông qua hình thức tưới khô ướt luân phiên và áp dụng tối ưu các nguyên liệu đầu vào sản xuất lúa thông qua kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” (1 phải: phải sử dụng giống được chứng nhận; 5 giảm: giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch). Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, sản xuất lúa phát thải thấp phù hợp với định hướng phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, chất lượng cao của tỉnh và mở ra những triển vọng mới cho cây lúa của Đắk Lắk. Việc chuyển đổi sang trồng lúa carbon thấp đang trở thành yêu cầu cấp bách đối với ngành hàng lúa gạo của Đắk Lắk cũng như của Việt Nam hiện nay.
Cùng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu
Tại Việt Nam, từ năm 2011 đến nay, nhiều Luật, Chiến lược, chính sách về biến đổi khí hậu đã được ban hành, các chương trình hành động quốc gia, cấp ngành, địa phương cũng từng bước được xây dựng và thực hiện.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có một chương quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều chính sách, chương trình, hành động về ứng phó biến đổi khí hậu đã được ban hành và triển khai. Nổi bật có: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030, Kế hoạch quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030; cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); phê duyệt Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia theo hướng giảm mạnh điện than thay thế bằng nguồn điện từ năng lượng tái tạo, điện khí LNG; thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam. Các bộ, ngành đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Các doanh nghiệp vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp.
Việt Nam đã xác định nhiều biện pháp giảm phát thải khí nhà kính từ nay đến 2030 cho các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp, chất thải và các quá trình công nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1693/KH-BNN-KHCN phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 với mục tiêu tổng quát, chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Về giảm phát thải khí nhà kính: Đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Trong đó: Lĩnh vực năng lượng giảm 32,6%, lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ); lĩnh vực nông nghiệp giảm 43,0%, lượng phát thải không vượt quá 64 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất giảm 70% lượng phát thải và tăng 20% lượng hấp thụ carbon, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -95 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực chất thải giảm 60,7%, lượng phát thải không vượt quá 18 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực các quá trình công nghiệp giảm 38,3%, lượng phát thải không vượt quá 86 triệu tấn CO2tđ. Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 2.000 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh. Trong đó: Lĩnh vực năng lượng giảm 91,6%, lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực nông nghiệp giảm 63,1%, lượng phát thải không vượt quá 56 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất giảm 90% lượng phát thải, tăng 30% lượng hấp thụ carbon, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -185 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực chất thải giảm 90,7%, lượng phát thải không vượt quá 8 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực các quá trình công nghiệp giảm 84,8%, lượng phát thải không vượt quá 20 triệu tấn CO2tđ. Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 200 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính…