Trong gần 2 năm, từ tháng 10/2022 đến tháng 7/2024, Dự án đã xác định được 55 khu vực tiềm năng nhất từ Nghệ An tới Quảng Nam có khả năng còn sự hiện diện của Sao La và danh sách gồm 46 người dân địa phương có kiến thức sinh thái bản địa. Đây là những người sẵn sàng tham gia hoạt động tìm kiếm Sao La cũng như hoạt động bảo tồn ngoại vi trong tương lai.
Dự án đã xây dựng Quy trình chuẩn khảo sát Sao La (SOP) bằng phương pháp đặt bẫy ảnh và thu mẫu eDNA (mẫu vắt và mẫu nước suối). Bẫy ảnh được lắp đặt và mẫu eDNA được thu thập tại 16 khu vực có mức độ ưu tiên cao nhất tại Trung Trường Sơn, trong đó tập trung vào các địa điểm có dấu vết Sao La như đường mòn động vật hay di chuyển và các nguồn nước. Mỗi khu vực gồm 10 ô khảo sát có diện tích khoảng 4 ha, khoảng cách giữa các ô khảo sát tối thiểu là 1 km. Trong mỗi khu vực khảo sát được lắp đặt 160 bẫy ảnh và thu 80 mẫu eDNA (40 mẫu nước suối và 40 mẫu vắt). Phương pháp này được áp dụng thống nhất cho tất cả các điểm khảo sát nhằm tăng khả năng phát hiện loài Sao La trong tự nhiên.
Trong vòng hai năm, dự án đã thu thập được 852.529 hình chụp bằng bẫy ảnh và 1.178 mẫu eDNA. Hầu hết các địa điểm khảo sát nằm ở các khu vực biên giới, khó tiếp cận. Vì vậy, hành trình tìm kiếm dấu vết Sao La là một thách thức lớn cho những cán bộ khi tác nghiệp trên hiện trường.
Đồng thời trong quá trình tìm kiếm Sao La, dự án cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của 59 loài động vật hoang dã quý hiếm và có nguy cơ đe dọa cao ở vùng cảnh quan Trung Trường Sơn. Cụ thể có 4 loài ở mức cực kỳ nguy cấp gồm Mang Lớn, Tê Tê, Chà Vá chân nâu và Trĩ sao; 5 loài ở mức nguy cấp gồm Voọc đen Hà Tĩnh, Voọc xám, Thỏ vằn, Cầy vằn bắc và Rùa núi viền; 8 loài ở mức sắp nguy cấp gồm Khỉ đuôi lợn, Khỉ mặt đỏ, Gấu ngựa, Gấu chó, Lửng lợn, Rái cá vuốt bé, Nai xám và Sơn dương.
Đặc biệt loài Mang lớn được phát hiện từ những năm 90 của thế kỷ XX đã được ghi nhận lại. Dữ liệu về quần thể động vật hoang dã này sẽ là cơ sở quan trọng cho dữ liệu đa dạng sinh học của vùng Trung Trường Sơn nói chung và là cơ sở để các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn và các chủ rừng xây dựng phương án bảo tồn phù hợp.
Sao La được phát hiện lần đầu tiên tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) năm 1992, gây chấn động giới bảo tồn trong nước và quốc tế, là một trong những loài thú hiếm nhất thế giới, được mệnh danh là kỳ lân châu Á. Loài thú này chỉ ghi nhận ở dãy Trường Sơn thuộc biên giới Việt Nam - Lào. Tháng 10/1998, các nhà khoa học chụp được ảnh Sao La trong tự nhiên tại Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Phải đến 15 năm sau đó, bẫy ảnh của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên mới ghi nhận được hình ảnh Sao La tại Quảng Nam. Tuy nhiên, từ đó đến nay không ghi nhận thêm hình ảnh Sao La trong tự nhiên.
Sao La là một biểu tượng cho đa dạng sinh học ở Trung Trường Sơn và là niềm tự hào của thiên nhiên Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên cùng nhiều tổ chức, cá nhân nỗ lực triển khai các hoạt động tìm kiếm và truy vết Sao La trên diện rộng. Trong năm 2023, chiến dịch truyền thông “Giữ rừng nguyên vẹn - Tái hẹn Sao La” được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng mức độ nhận diện Sao La trên toàn khu vực Trung Trường Sơn và kêu gọi cộng đồng cung cấp thông tin có giá trị hỗ trợ công tác phát hiện, bảo tồn Sao La. Chiến dịch được triển khai trên 22 kênh truyền thông, tiếp cận 5,6 triệu người và thu hút 316.000 lượt tương tác, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi tin rằng trong núi rừng Trung Trường Sơn, một số nơi dự án chưa thể khảo sát vẫn còn một số cá thể Sao La tồn tại. Với những nỗ lực chung của chính phủ Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức bảo tồn và cộng đồng những người yêu thiên nhiên, chúng ta vẫn còn cơ hội để đảo ngược quá trình suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam và trên phạm vi toàn cầu".