Giá vé máy bay tăng: Tour nội đường dài kém hấp dẫn

Các công ty lữ hành đều khẳng định, từ 15/12 giá vé máy bay tăng từ 15-20% khiến giá tour trong nước đường dài sử dụng phương tiện này tăng lên khoảng 10%. Điều này kéo theo giá tour trong nước cao hơn nhiều so với tour nước ngoài.

Giảm tính hấp dẫn của điểm đến

Một trong những lý do khiến các điểm đến của Việt Nam giảm tính hấp dẫn là do giá cao. Anh Hà Hùng, một du khách ở Hà Nội, cho biết: So sánh giá tour mà các đại lý lữ hành đang chào bán có thể thấy giá đi tour các nước trong khu vực ASEAN khá hấp dẫn.

Sân bay Phù Cát (Bình Định). Ảnh: Viết Ý - TTXVN

Đơn cử như tour đi Thái Lan (Băngcốc - Pattaya) 5 ngày khoảng 8 triệu đồng/người; trong khi đi tour nội địa từ Bắc vào Nam khoảng 11 triệu đồng/người. Hơn nữa, mùa này đi du lịch nội địa tại các điểm Việt Nam chỉ thuần túy là tham quan chứ không có dịch vụ vui chơi.

Không chỉ đi Thái Lan, mà nếu so tour nội địa với tour đi Xinhgapo và Malaixia, Hồng Công (Trung Quốc)… với thời gian từ 6-7 ngày bằng máy bay, giá tour trong nước vẫn cao hơn. Chẳng hạn, giá các tour đi Xinhgapo - Malaixia ở mức 10 triệu hoặc 12 triệu đồng/người, trong khi giá liên tuyến Xinhgapo - Malaixia cũng chỉ khoảng 16 triệu đồng/người, chương trình đầy đủ từ tham quan, mua sắm và lưu trú khách sạn 3-4 sao. Giá tour Hồng Công đi 6 ngày khoảng 16 triệu đồng/người.

Việc giá các tour nội địa tiếp tục tăng sẽ khiến các điểm đến của du lịch Việt Nam giảm tính cạnh tranh. “Ngày nay, với điều kiện kinh tế nâng cao và đi công tác nước ngoài, khách hàng dễ so sánh về giá cả cũng như chất lượng dịch vụ giữa tour nội địa và nước ngoài. Do đó, xu hướng chọn tour ngoại càng rõ nét. Du lịch nội địa chỉ mạnh ở tour cự ly trung bình, tầm dưới 300 km đổ lại. Nếu Tổng cục Du lịch và hàng không chưa đưa ra chính sách hỗ trợ thu hút khách du lịch mang tính tổng thể mà mạnh ai nấy làm như hiện nay sẽ rất khó tạo lợi thế điểm đến cạnh tranh với các nước trong khu vực” - đại diện CLB Lữ hành Hà Nội cho biết.

Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, theo các doanh nghiệp lữ hành, tour đăng ký nước ngoài nhiều tuyến đã đạt 80% do khả năng cung ứng của hàng không có hạn; trong khi các tour đi bằng máy bay ra Côn Đảo, Phú Quốc gần như đã khóa sổ. Ông Lê Việt Dũng, Công ty Lữ hành Tân Đông Dương cho biết: Cứ vào dịp Tết, khi nhu cầu du lịch tăng cao thì các chặng TP Hồ Chí Minh - Hà Nội không đặt nổi vé nên phải từ chối đặt tour. Họ đưa ra lý do lượng vé dành cho du lịch rất ít; trong khi đó với các hãng hàng không nước ngoài, họ thường có kế hoạch rất sớm.

Nguy cơ đẩy giá dịch vụ

Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Vietravel cho biết: Giá vé máy bay tăng chắc chắn ảnh hưởng đến giá tour. Các đơn vị lữ hành sẽ có điều chỉnh khác nhau để vừa giữ được khách vừa phải đảm bảo chất lượng dịch vụ đã cam kết. Tuy nhiên, khi giá hàng không tăng, khả năng các phương tiện vận chuyển khác cũng sẽ tăng theo. Hiện các hãng hàng không có nhiều mức giá khác nhau, tuy nhiên mỗi mức giá đều có những ràng buộc nhất định. Giá càng rẻ thì cơ hội đổi, trả càng ít. Hiện Vietravel chưa có lộ trình tăng giá thời điểm này, mức giá cụ thể sẽ sớm thông báo đến du khách nhưng sẽ không có việc tăng đột biến vì phải đảm bảo lợi ích khách hàng.

Đại diện các doanh nghiệp thừa nhận, giá vận chuyển đường hàng không đã chiếm khoảng 50% giá tour nội địa. Do đó giá vé máy bay tăng khoảng 20% thì khách hàng mua sau 15/12 giá tour tăng khoảng 10%, đồng nghĩa với các tour từ Hà Nội vào Nam Trung bộ và TP Hồ Chí Minh tour tăng thêm khoảng 2 triệu đồng/người. Điều khiến các doanh nghiệp lữ hành lo ngại là giá tour chào bán cho khách du lịch năm 2012 cộng với đà tăng này sẽ đẩy giá tăng khoảng 20-25% trong năm tới. Du lịch nội địa đang lép vế vì chất lượng dịch vụ yếu, thái độ kinh doanh chụp giật... nay cộng với việc giá tăng sẽ khiến khách du lịch quay lưng với tour nội địa.

Một số doanh nghiệp lữ hành khuyến cáo với khách hàng là nên có kế hoạch đi tour sớm để có thể đặt được giá vé ưu đãi. Bên cạnh đó, sự ra đời của hàng không tư nhân VietJet Air hy vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong việc triển khai tour, đồng thời mặt bằng giá cũng sẽ tốt hơn.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) nhận định: Trong những năm qua, ở Việt Nam giá thành vận chuyển so với nhiều điểm đến khác chưa được hấp dẫn. Việt Nam không phải là trung tâm trung chuyển khách, vì vậy Việt Nam không có lợi thế về hàng không, nhất là vấn đề giá thành chưa hấp dẫn so với các điểm Băngcốc, Xinhgapo, Malaixia. Vietnam Airlines và các doanh nghiệp lữ hành lớn cần có sự hợp tác để tạo thành những tour trọn gói hấp dẫn và giá thành cạnh tranh với khu vực. Bên cạnh đó là sự hợp tác với các điểm đến khu vực để liên kết nối tour tăng tính hấp dẫn của các điểm đến.

Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN