Tăng cường tuyển dụng lao động
Từ những tín hiệu tích cực của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2024, các doanh nghiệp ở hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang tăng cường tuyển dụng lao động để thực hiện kế hoạch năm.
Đến sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sau thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp, anh Đoàn Văn Trung (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã được tư vấn làm quản lý cho một doanh nghiệp may tại huyện Hoài Đức. “Tôi có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực này, sau khi phỏng vấn về điều kiện làm việc, tôi sẽ thỏa thuận cụ thể về mức lương, chế độ phúc lợi, rồi sẽ ký hợp đồng lao động”, anh Trung chia sẻ.
Để kết nối việc làm, mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Ninh Bình, thu hút sự tham gia của 117 đơn vị, doanh nghiệp, với nhu cầu tuyển dụng hơn 41.000 chỉ tiêu đa dạng các vị trí ngành nghề.
Trong đó, các doanh nghiệp ở Bắc Giang có nhu cầu tuyển dụng cao nhất với 31.600 chỉ tiêu, tiếp đó là Ninh Bình với 4.069 chỉ tiêu, Thái Nguyên với 3.820 chỉ tiêu và Hà Nội 1.096. Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội cho thấy về thu nhập, các chỉ tiêu có mức thu nhập cao từ 15 triệu đồng/tháng trở lên chiếm 29% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức lương mà các nhà tuyển dụng đưa ra cho nhóm nhân sự chất lượng cao, người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định: "Với đà phục hồi kinh tế như hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tiếp tục duy trì. Các đơn vị tuyển dụng chú trọng nhiều hơn tới kỹ năng nghề. Trong khi đó, người lao động sẽ quan tâm nhiều hơn tới điều kiện phúc lợi, chế độ bảo hiểm".
Trong khi đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh cũng phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm 22 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, tổ chức "Sàn giao dịch việc làm liên kết vùng trực tiếp và trực tuyến". Sàn đã tạo cầu nối để doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động và người lao động cần tìm việc gặp nhau trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng đang tăng.
Gần 390 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tuyển dụng hơn 39.300 vị trí việc làm tập trung ở các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật, kinh doanh, cơ khí, nhà hàng, kho vận logistic, dệt may, lắp ráp điện tử…
Trong đó, nhu cầu tuyển lao động phổ thông là hơn 31.000 lao động. Cụ thể: Da giày, may mặc tuyển dụng hơn 9.500 lao động; thực phẩm, đồ uống tuyển dụng gần 9.000 lao động; kinh doanh, quản lý tuyển dụng hơn 3.800 lao động; kỹ thuật, cơ khí tuyển dụng 3.000 lao động; quản trị văn phòng, dịch vụ tuyển dụng hơn 4.400 lao động; chế tạo, chế biến tuyển dụng hơn 2.100 lao động; kinh tế, tài chính, kế toán tuyển dụng hơn 2.800 lao động; điện tử, công nghệ thông tin, vận tải, xây dựng tuyển dụng hơn 3.000 lao động… Mức lương các nhà tuyển dụng đưa ra từ 6 triệu đồng đến hơn 20 triệu đồng/tháng tuỳ theo vị trí công việc.
Đảo bảo quyền lợi người lao động
Lĩnh vực dệt may được đánh giá có những tín hiệu phục hồi khả quan khi nhiều doanh nghiệp dệt may xác nhận đã cơ bản đủ đơn hàng quý III, IV/2024.
Ông Vũ Văn Đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần May và Thương mại quốc tế INDICO cho biết, đơn vị đủ đơn hàng cho cả năm 2024. Trong những tháng cuối năm, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 100 nhân sự.
Đại diện phòng nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, cho biết, những tháng cuối năm, tình hình kinh doanh có nhiều khởi sắc, trong đó, công ty sẽ có thêm nhiều đơn hàng dài hạn, đòi hỏi tăng năng suất lao động để kịp đáp ứng lượng đơn hàng tăng cao. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, nhà máy vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự có tay nghề. Hiện, đơn vị vẫn còn thiếu khoảng 100 người. Công ty phải chấp nhận tuyển công nhân lớn tuổi, đào tạo lại từ đầu cho những công nhân làm trái ngành, không có tay nghề.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Nhìn tổng thể, thị trường lao động từ đầu năm đến nay ổn định. Tuy nhiên, theo từng vùng vẫn còn những vấn đề bất cập, nơi thừa nơi thiếu lao động. Chính vì vậy, Cục có chỉ đạo các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh kết nối tổ chức các phiên giao dịch trực tuyến. Về dài hạn, đơn vị đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH - Bộ Công an) tích hợp thông tin lao động vào trường thông tin cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Có được nguồn dữ liệu này sẽ nắm thông tin về cung lao động và từ đó sẽ có kết nối dài hạn hơn.
Theo các cấp công đoàn cơ sở, tình trạng giảm giờ làm, nghỉ việc luôn phiên trong những tháng đầu năm 2024 đã giảm hẳn so với năm 2023. Các cấp công đoàn tập trung vào đàm phán, giám sát thỏa ước lao động tập thể. Không chỉ tại từng đơn vị, mà thoả ước tập thể mở rộng ra theo từng lĩnh vực, ngành. Đơn cử như mới đây, Công đoàn Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã tổ chức Lễ ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành Dệt May Việt Nam lần thứ 6.
Theo đó, TƯLĐTT lần này xác lập các chế độ, chính sách phúc lợi cao hơn quy định của pháp luật để áp dụng cho người lao động (NLĐ) trong hệ thống. Qua 3 phiên họp thương lượng, hai bên đã thống nhất một số nội dung như: Giữ nguyên các điều khoản đã xác lập trong TƯLĐTT ngành lần 5 về mức thu nhập tối thiểu, thang bảng lương, chế độ phụ cấp, tiền thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và quy định về đảm bảo duy trì, cải thiện các chế độ đã đạt được; tăng mức và xác định mức tiền cụ thể đối với một số chế độ, chính sách đã được xác lập từ TƯLĐTT ngành lần 5 gồm: Tăng mức tiền ăn ca thêm 2.000 đồng/suất/vùng; tặng quà cho lao động nữ vào ngày 8/3 và ngày 20/10 hàng năm mức tối thiểu 50.000 đồng/người/lần; xác lập chế độ phúc lợi mới: Chi hỗ trợ NLĐ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi mức tối thiểu 50.000 đồng/người/tháng.
Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chia sẻ hiện nay trong hệ thống Công đoàn Việt Nam chỉ có 2 bản TƯLĐTT ngành là dệt may và cao su. Bản Thỏa ước của dệt may có độ phủ lớn, vì vậy được các cấp quan tâm, lựa chọn để thí điểm thực hiện đối thoại, thương lượng, ký kết tại nhiều đơn vị. Bản Thỏa ước lần thứ 6 sẽ tiếp tục được lan tỏa sâu rộng trong và ngoài ngành, tạo sự ổn định trong quan hệ lao động của các doanh nghiệp tham gia, tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài của TƯLĐTT cấp ngành.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 196.600 người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 28%, tăng 1,4% điều này cho thấy chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao. Thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.