Tính từ đầu năm đến ngày 29/4, dông, lốc, sét, hạn hán, sương muối đã gây thiệt hại ước tính hơn 17,7 tỷ đồng. Trong đó, dông, lốc, sét đã làm 6 người bị thương, làm tốc mái 397 căn nhà, 1 nhà tạm bị sập, 1 điểm trường học bị tốc mái hoàn toàn, hư hỏng, xà gồ, 46.9 ha diện tích lúa đang thời kỳ trổ và chín sáp bị đổ ngã, 4,1 ha diện tích ngô và 1,3 ha cây chanh dây bị ngã. Ước thiệt hại hơn 4,4 tỷ đồng.
Hạn hán cũng làm ảnh hưởng nặng nề đến nông nghiệp của tỉnh Gia Lai khi có hơn 544,6 ha diện tích hoa màu các loại bị ảnh hưởng. Ước thiệt hại hơn 3,3 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo báo cáo ngày 25/4/2023 của UBND huyện Kbang, không khí lạnh đã làm 264,9 hecta diện tích lúa vụ Đông xuân 2022- 2023 và 141,3 ha cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại ước tính hơn 9,9 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai cho biết: Công tác khắc phục các thiệt hại do thiên tai đã được UBND các huyện, xã, thị trấn chủ động khắc phục xong. Đối với sản xuất nông nghiệp, những diện tích không có khả năng thu hoạch, UBND các huyện đã vận động người dân cắt sớm để tận dụng làm thức ăn cho trâu, bò; với diện tích đang trong quá trình sinh trưởng thì vận động các hộ dân theo dõi tiếp tục chăm sóc, tăng khả năng thụ phấn, chắc hạt. Riêng các diện tích cây trồng hàng năm và lâu năm, UBND các huyện đã hướng dẫn người dân chăm sóc, vệ sinh phục hồi vườn cây, bón phân hợp lý.
Hiện nay, hiện tượng thời tiết bất lợi luôn tiềm ẩn với nguy cơ cao. Vì thế, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); UBND các huyện, thị trấn, thành phố chủ động triển khai biện pháp ứng phó. Trong đó, lực lượn chức năng theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo hiện tượng thời tiết cực đoan và chủ động chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân trên địa bàn triển khai ứng phó với dông lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh với phương châm "4 tại chỗ", tránh thiệt hại về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra.
Các bên liên quan và người dân cần tập trung chặt, tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, mục rỗng, nằm gần nhà ở, lưới điện, đường phố. Khi có mưa lớn kèm theo dông, sét người dân nên ở trong nhà, cần đóng kín cửa, ngắt các thiết bị điện (ti vi, máy giặt, tủ lạnh...); không mang theo người các vật dụng bằng kim loại. Người ở bên ngoài trời cần tìm nơi ẩn nấp, tránh những gốc cây cổ thụ, cột điện cao thế, đụn rơm, anten truyền hình, gần các vật kim loại; không chạm tay vào các vật ẩm ướt, vật dẫn điện; không đi dọc theo các bờ sông, bờ suối; không trú mưa ở những công trình, nhà cửa, chòi rẫy trơ trọi giữa cánh đồng; không sử dụng điện thoại; không mang các vật dụng bên mình như cuốc, xẻng, cần câu...
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân phải thường xuyên kiểm tra nhà cửa, kho tàng, công trình công cộng thuộc phạm vi quản lý, sử dụng; chủ động chằng chống gia cố, tu sửa ngay đề phòng dông , sét, lốc xoáy, mưa đá bất ngờ xảy ra. Các nhà ở lợp bằng lá, tôn, fibro xi măng, ngói phải có liên kết vì kèo với cột, tường chắc chắn, có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát... đảm bảo đủ sức chống đỡ khi có dông, lốc xoáy, mưa đá, gió giật mạnh xảy ra…