Hạnh phúc từ những điều giản dị
Dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến nhiều gia đình người Việt, khiến nhiều gia đình thay đổi nhịp sống, sinh hoạt để thích ứng trong tình hình mới.
Anh Mai Thanh Hải (Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một CEO có tiếng trong lĩnh vực tài chính. Anh thoát ly gia đình từ khi học THPT đến nay đã 25 năm. Trong khoảng thời gian đó, anh Hải đi học đại học, rồi tu nghiệp ở nước ngoài và ổn định sự nghiệp ở thành phố, lập gia đình riêng… Thời gian anh Hải ở lâu nhất bên bố mẹ và gia đình là dịp Tết Nguyên đán nhưng cũng chỉ được 2 - 3 ngày. Dịch COVID-19 bùng phát, công việc gián đoạn và chuyển hình thức online, anh quyết định cùng gia đình riêng về quê với bố mẹ.
Anh Thanh Hải cho biết: “Những năm học tập, mưu sinh ở thành phố, tôi luôn nỗ lực hết mình và luôn nghĩ đến bố mẹ, các em ở quê. Dù bố mẹ đã có cơ ngơi khang trang, các em đã phương trưởng, nhưng tôi vẫn thấy thiếu thốn tình cảm của gia đình bởi rất ít thời gian bên cạnh bố mẹ. Hai tuần Hà Nội giãn cách là khoảng thời gian trọn vẹn tôi được ở bên bố mẹ. Tôi tự tay vào bếp nấu những món ăn mà bố mẹ đã dạy mình ngày bé. Dù món tôi nấu chưa ngon nhưng bố mẹ tôi vẫn rất vui vì thấy con cái, cháu chắt đầm ấm bên mâm cơm gia đình".
Không riêng anh Thanh Hải mà nhiều người cũng có hoàn cảnh tượng tự. Anh Võ Mạnh Thắng (phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội) là một ví dụ. Đi công tác liên miên, ít có thời gian bên gia đình nên anh Thắng đã nhận ra “khoảng trống” mỗi khi xa vợ, con, bởi công việc làm báo đã lấy đi của anh quá nhiều thì giờ.
Anh Thắng chia sẻ: “Ở nhà làm việc online, tôi mới nhận thấy vợ mình quá vất vả. Hàng ngày, cô ấy dậy từ 5 giờ sáng, đi chợ, chuẩn bị đồ ăn cho gia đình. Tiếp đó, cô ấy chuẩn bị cho 2 con học trực tuyến; vừa hướng dẫn con học vừa phải hoàn thành việc của cơ quan. Thấy vậy, tôi cũng tham gia làm việc nhà đỡ đần cho vợ. Đây là khoảng thời gian để mỗi thành viên gia đình hiểu nhau hơn”.
Nhìn từ hiện tượng này, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: “Dịch COVID-19 đã có những tác động rất lớn tới gia đình người Việt. Nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận giá trị của cuộc sống, giá trị đặc biệt của gia đình. Có một thời gian dài, các thành viên trong gia đình tất bật mưu sinh mà quên mất giá trị cốt lõi của gia đình, đó là sự gắn kết yêu thương trong mỗi thành viên”.
Cũng theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, một nghiên cứu gần đây cho thấy: Có nhiều người không dành đủ 30 phút mỗi ngày cho con hoặc vợ/chồng. Thậm chí, một bữa cơm đầy đủ các thành viên trong gia đình mỗi ngày cũng trở nên xa xỉ. Tuy nhiên, dịch COVID-19, các cá nhân có thời gian bên nhau nhiều hơn nên đã hiểu được giá trị của hạnh phúc giản đơn là cùng nhau làm việc nhà, cùng nói chuyện với các con… Từ đó, tình cảm mỗi thành viên trong gia đình càng gắn bó hơn.
Nhìn từ góc độ tâm lý, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: “Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của bố mẹ với con cái trong gia đình thời COVID-19. Bởi nếu cha mẹ phải làm việc trực tuyến thì các con cũng tiếp xúc với công nghệ, mạng trực tuyến. Lúc này, sự đồng hành của bố mẹ là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho các con trên không gian mạng. Cha mẹ cần trang bị các kỹ năng để trẻ em cân bằng được các yếu tố như: Thân, tâm, trí. Thân là thân thể, đảm bảo sức khoẻ, vận động; Tâm là tâm lý, thế giới tinh thần được thoải mái, mối quan hệ xã hội cân bằng; Trí là được tham gia vào hoạt động phát triển trí tuệ”.
Đổi mới tư duy từ những người làm công tác gia đình
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay có chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” với nhiều thông điệp ý nghĩa bởi sự sẻ chia hạnh phúc; xây dựng gia đình bình đẳng, phòng chống bạo lực, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc.
Thạc sỹ Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Trong giáo dục gia đình, con cái luôn có thói quen nhìn vào các hành vi của bố mẹ để bắt chước, học theo. Nhìn dưới góc độ khoa học về giáo dục, như nhiều nhà nghiên cứu nhận định, có thể coi gia phong là một trong những thành tố tạo nên “thiết chế” vô hình của văn hóa gia đình, với tất cả các đặc tính riêng và chung. Nền nếp gia phong đã trở thành cốt lõi, là nền tảng để gia đình truyền thống phát triển bền vững cho đến ngày nay. Trong cuộc sống hiện đại, nền nếp gia phong vẫn là cơ sở để gia đình Việt Nam phát triển vì nó đã được hun đúc từ đời này sang đời khác và luôn luôn tỏa sáng cùng thời gian”.
Đề cập đến vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống. Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.
Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã đặt mục tiêu “Nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cho thấy gia đình là một thiết chế đặc biệt trong xã hội. Vai trò đặc trưng và ý nghĩa quan trọng nhất của gia đình là duy trì nòi giống và nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người. Gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào có tốt thì xã hội mới phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Để phát huy nền tảng ấy, không chỉ riêng mỗi gia đình mà ngay cả những người làm công tác quản lý, hoạt động xã hội cũng cần mạnh dạn đổi mới tư duy. Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để xây dựng gia đình Việt Nam phát triển bền vững, hạnh phúc thì những người làm công tác quản lý cần phải thay đổi tư duy, nhận thức, để từ đó có cách tiếp cận mới, mạnh dạn tháo gỡ dần những vướng mắc nhằm tạo sự đột phá trong công tác quản lý gia đình nói riêng toàn xã hội nói chung.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Vụ Gia đình phối hợp với Vụ Pháp chế rà soát lại các văn bản quy định về lĩnh vực gia đình để có sự thống nhất giữa các cấp có thẩm quyền, giữa các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương.
"Cần phải tổ chức báo cáo tổng kết về việc thực hiện thí điểm “Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình” trước ngày 30/6. Tổ chức tổng kết dưới hình thức nào, ở thời điểm ảnh hưởng của dịch COVID-19 là điều cần nghiên cứu, nhưng không thể không làm. Bởi công việc này có những tác động tích cực trong đời sống xã hội và rất cần trong giai đoạn hiện nay. Việc xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cũng như xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 đều phải thật sự có giá trị thực tiễn cao", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Đánh giá cao sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành trong việc tổ chức các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Sự chung tay của toàn xã hội với cơ quan quản lý nhà nước đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác gia đình đặt trong tổng thể chung về thành tựu của văn hóa, thể thao, du lịch. Công tác gia đình cần phải nỗ lực huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển. Qua đó, góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh giúp cho ngành văn hóa thực hiện, ngăn chặn được sự xuống cấp đạo đức. Phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển” của Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ 2020 - 2025 rất cần những người làm công tác quản lý nhà nước về gia đình đặt lên hàng đầu”.