Trong số 300 Mẹ Việt Nam Anh hùng về dự, có 4 mẹ hiện đã trên 100 tuổi. Mẹ nhiều tuổi nhất là mẹ Nguyễn Thị Đỗ, ở quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, năm nay đã 104 tuổi. Có 98 mẹ trên 90 tuổi, 133 mẹ trên 80 tuổi. Có 9 mẹ gia đình có nhiều thế hệ Mẹ Việt Nam anh hùng. 23 mẹ vừa là thương binh, 21 mẹ đồng thời là người hoạt động cách mạng, hoạt động khánh chiến bị địch bắt tù đày, 24 mẹ đồng thời là người có công giúp đỡ cách mạng.
Phấn khởi khi được Đảng, Nhà nước quan tâm, bà Trần Thị Gái, 101 tuổi, ở xã Hưng Đạo, Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương có chồng và con trai đều là liệt sỹ cho biết, rất vui khi được về Thủ đô Hà Nội dự Chương trình gặp mặt. “Năm trước tôi được chính quyền giúp xây nhà. Năm nay lại đưa ra thăm Hà Nội, thấy Thủ đô ngày càng giàu đẹp tôi rất phấn khởi và tự hào. Ở đây, Ban tổ chức chăm sóc tận tình, chu đáo cho các Mẹ từng miếng ăn, giấc ngủ”, bà Trần Thị Gái bày tỏ.
Nhắc về người chồng là liệt sĩ Lê Văn Diễn- hy sinh năm 1950 trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Lê Văn Phúc, người con trai duy nhất mà bà đã hiến dâng cho Tổ quốc trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, bà Trần Thị Gái bùi ngùi nói: Lấy chồng thì chồng mất khi đánh Tây càn vào làng. Năm đó bà mới 24 tuổi. Có người con trai duy nhất thì con bà cũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm đó con bà mới hai mươi mốt tuổi.
“Đêm hôm nhận được tin báo tử của con, tôi rụng rời chân tay. Gánh nước trên vai tuột xuống. Tôi lảo đảo ngã ra đất, lăn đến miệng giếng nước. May mà có người trong làng kịp lao đến lôi lại chứ không thì rơi xuống giếng rồi”, bà Trần Thị Gái nhớ lại.
Buồn buồn nói muốn đưa hài cốt người con trai về quê để rồi có nhắm mắt xuôi tay cũng yên lòng nhưng hơn năm mươi năm nay vẫn day dứt vì chưa thực hiện được ước nguyện đó, bà Trần Thị Gái ngậm ngùi bảo: Ngoài tin báo tử thì bà không có một thông tin nào về việc con trai bà hy sinh ở đâu, trong hoàn cảnh nào và tại đơn vị nào. “Chỉ biết con Mẹ hy sinh trong chiến trường miền Nam, còn hy sinh chỗ nào, ở đâu, nào Mẹ có biết. Tháng 7 năm ngoái, đứa cháu trong nhà có tìm đến Nghĩa trang ở tỉnh Tây Ninh, tới một ngôi mộ chỉ có ghi Liệt sỹ Lê Văn Phúc, ngoài ra không có thông tin nào khác. Mở mộ ra thì bên dưới chỉ có ba hòn đất mới tinh. Nó chụp ảnh gửi về, nhìn thấy như thế Mẹ càng ốm hơn”, bà Trần Thị Gái lặng lẽ kể.
Cũng phấn khởi khi đây là lần thứ 7 được ra thăm Thủ đô, được vào Lăng viếng Bác “có không khỏe cũng thấy khỏe”, bà Bùi Thị Long, ở huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá cho biết, Đảng, Nhà nước, chính quyền và bà con xóm làng đã luôn quan tâm chăm sóc Mẹ thời gian qua. “Năm nay Mẹ 87 tuổi rồi, được đi Hà Nội như thế này, Mẹ phấn khởi, vui mừng lắm”.
Nhớ lại những người con đã trao cho Tổ quốc, bà Bùi Thị Long lặng người hồi lâu. Đau đớn ngày ấy đã hằn sâu, làm thêm những nếp nhăn nơi gương mặt, khoé mắt bà. Người con trai thứ là Quách Văn Quang hy sinh tại đảo Mê- cách đất liền 13km, vị trí tiền tiêu trên hướng biển của tỉnh Thanh Hóa và miền Bắc Xã hội chủ nghĩa trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Người con nuôi là Bùi Văn Tiếp hy sinh tại chiến trường hạ Lào trong một trận đánh khi mở đường máu để cho các đồng đội được an toàn thoát ra. Và năm 1979, bà nhận tiếp tin báo tử của người con út Quách Văn Minh khi anh hy sinh tại chiến trường Campuchia.
Ba lần nhận giấy chứng tử của các anh là ba lần bà chết lặng. Nỗi đau quá lớn tưởng như không thể gượng dậy được. Nhưng lời nói “Mẹ còn các con, Mẹ còn bà con làng xóm, còn những đồng chí khác của Mẹ” của 4 người con còn lại khiến bà Bùi Thị Long cố gượng dậy, cố gắng sống vì gia đình. Hơn bốn mươi năm chứng kiến và mừng vui đến trào nước mắt khi đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải, nơi biên cương cũng im tiếng súng, khát vọng hoà bình, thịnh vượng đang được thực hiện, chỉ có điều bà Bùi Thị Long vẫn day dứt nỗi lòng người mẹ khi chưa thực hiện được ước nguyện đưa con về quê hương…
Sự phấn khởi, niềm vui cũng như những khắc khoải trầm buồn, day dứt của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Long, Trần Thị Gái cũng là nỗi lòng của các Mẹ Việt Nam Anh hùng tham gia chương trình gặp mặt hôm nay. Chiến tranh đã lùi xa nhưng đau thương mà nó để lại vẫn âm ỉ. Cả nước hiện nay có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, gần 300 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương, bệnh binh mang trên mình thương tích, bệnh tật…
Hy sinh mất mát của những người mẹ Liệt sĩ và 140.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nói riêng, trong đó hiện có gần 5.000 mẹ còn sống, cho Tổ quốc là quá đỗi lớn lao. Sẽ không có sự đền đáp nào xứng đáng với sự hy sinh của cả một lớp người đi trước, của những người Mẹ Việt Nam cho đất nước, quê hương. Dù suốt 73 năm qua, nhất là hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới của đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức toàn dân tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đặc biệt việc chăm lo, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Đến nay, sau 25 năm thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Đảng, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng 139.275 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó hiện có 4.962 mẹ còn sống đang được các cơ quan, tổ chức và gia đình phụng dưỡng.
Như những chia sẻ đầy xúc động của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại cuộc gặp mặt 300 đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Đất nước hòa bình, không có niềm vui nào bằng ngày trở về, nhưng cũng không có nỗi đau nào bằng nỗi đau trong ngày chiến thắng khi những người thân yêu nhất mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại. Những hy sinh thầm lặng, vô cùng to lớn, cao cả và thiêng liêng của các mẹ đã tôn thêm những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà chính các mẹ đang là những minh chứng sống!.