Câu chuyện xe quá tải - “thủ phạm” chính tàn phá các công trình giao thông không còn là chuyện mới. Mặc dù lực lượng chức năng biết rõ các loại vi phạm như thay đổi kích cỡ và lắp dàn tưới lốp, độn nhíp để nâng khả năng vận chuyển vượt quá nhiều lần quy định... nhưng đến nay do thiếu chế tài xử phạt, thiếu những biện pháp xử lý từ “gốc”, nên nhiều tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, tiếp tục bị cày xới.
Hung thủ phá đường
Tại nhiều tuyến đường vành đai, ngoại thành của Hà Nội, theo phản ánh của người dân, xe quá tải trọng đang trở thành những hung thần đường phố, không chỉ cày xới các tuyến đường, tạo ra “ổ trâu, ổ voi’, mà còn gây ô nhiễm không khí, bụi và tiếng ồn, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân.
Đường Tam Trinh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) là đường vành đai 2 có mật độ xe qua lại cao, trong đó có nhiều xe tải siêu trường, siêu trọng, làm cho nền đường bị hư hỏng nặng. Ảnh: Bùi Tường - TTXVN |
Các đường liên xã Tây Tựu, Thượng Cát, Minh Khai, Cổ Nhuế (Từ Liêm) nối với đường 70, đi qua Học viện Cảnh sát Nhân dân chỉ cho phép tối đa xe 13 tấn lưu hành, nhưng hàng ngàn lượt xe chở vật liệu ngày đêm qua lại trên những con đường này đều quá tải trọng (từ 20 tấn trở lên), nên hầu hết các con đường này đang xuống cấp rất nghiêm trọng. Nghiêm trọng nhất là đoạn từ ngã tư Nhổn đến ngã tư Vân Canh, chỉ dài hơn 1 km, nhưng chi chít các điểm lún, sụt, khiến các phương tiện qua lại rất khó khăn.
Tình trạng xe quá tải trọng gây hư hỏng đường sá cũng đang trở nên phổ biến trên các tuyến đường Lê Trọng Tấn, Lê Văn Lương, Vạn Phúc, Quang Trung (Hà Đông) hiện nay. Đường Hà Trì, đoạn từ phường Hà Cầu xuống phường Đa Sĩ (Hà Đông) trước đây khá đẹp, nhưng hiện nay mặt đường đã bị phá nát. Sau khi đường bị tàn phá, nhiều người dân đã dùng phế thải xây dựng để lấp các “ổ trâu, ổ voi”, nên trời mưa xuống thì đường bị ngập ngụa trong bùn đất, nắng lên thì bụi mịt mù. Lực lượng thanh tra GTVT quận Hà Đông đã nhiều lần xử lý xe quá tải trên 20%, thậm chí 40%...
Tại thành phố Hải Phòng, mỗi ngày hiện có tới hàng ngàn lượt xe quá tải trọng hạng nặng tham gia rút hàng ở cảng, chở quá tải, nối đuôi vô tư cày xéo, tạo “ổ voi, ổ trâu” trên những con đường. Các ngành chức năng hằng năm phải dành hàng chục tỷ đồng để bảo trì đường bộ, nhưng cứ gia cố một thời gian, các tuyến đường lại xuống cấp nhanh hơn so với dự kiến bảo dưỡng, sửa chữa. Điều đáng nói là việc xử lý các trường hợp này không nghiêm, đang nảy sinh bất cập giữa thực tế và việc xử lý xe quá tải trọng theo luật định. Cầu Kiền - quốc lộ 5, cửa ngõ Tây Bắc của Hải Phòng đang ngày đêm “oằn mình” gánh các loại xe quá tải trọng giày xéo. Theo thiết kế, tuyến này chỉ cho phép tối đa xe có tải trọng không quá 30 tấn lưu thông, nhưng trên thực tế, hàng ngày có tới trên dưới 10.000 xe chở phôi thép, chở hàng có trọng lượng 60-80 tấn (gấp đôi trọng tải cho phép) qua lại. Do không chịu nổi sức nặng của những chiếc xe tải trọng lớn, lớp nhựa đường của mặt cầu bị xô đẩy, dồn ứ sang hai bên trở thành những “ổ voi, ổ trâu”. Thực tế này đang diễn ra tại hầu hết các địa phương.
Nhiều chủ gara chuyên chăm sóc xe tải tại Hà Nội cho biết, chỉ với số tiền từ 7-10 triệu đồng để gia cố, lắp bổ sung các lá nhíp tăng tải trọng xe, xe tải có tải trọng thiết kế ban đầu 11 tấn có thể “cõng” trên mình từ 35-45 tấn và đa số các xe tải hiện nay áp dụng biện pháp này. Dấu hiệu để nhận biết xe lắp thêm các lá nhíp rất đơn giản, chỉ cần nhìn (bằng mắt thường) dưới gầm xe…
Điều đáng quan tâm hiện nay là mặc dù tình trạng xe quá tải trọng vi phạm diễn ra khá phổ biến, gây hư hại đường sá nghiêm trọng, nhưng số vụ vi phạm bị xử lý trong thời gian qua, theo thống kê còn khá khiêm tốn.
Tránh “mất bò mới lo làm chuồng”
Luật Giao thông đường bộ quy định các loại xe quá tải trọng chỉ được phép lưu hành khi được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép, nhưng phải thực hiện các biện pháp bắt buộc để bảo vệ cầu đường, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT). Tuy nhiên trong thực tế, quy định này dường như mất hiệu lực, vì hầu như không có phương tiện vận tải nào chịu tuân thủ.
Có ngày QL5 “cõng” 30% số xe chở quá tải trên 200%
Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng Phạm Trọng Thịnh cho biết: Thành phố Hải Phòng hiện có khoảng 200 doanh nghiệp vận tải hàng hóa với hơn 3.000 đầu xe kéo moóc, xe container. Do cạnh tranh về doanh thu, tăng thu giảm chi, hầu hết các doanh nghiệp vận chuyển quá tải. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, hàng hóa qua cảng hiện nay chủ yếu là hàng có trọng lượng lớn, yêu cầu xe vận chuyển cũng phải đáp ứng được năng lực vận tải, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có xe không đáp ứng được yêu cầu, buộc phải tăng tải trọng trong điều kiện hệ thống đường sá chưa đồng bộ. Các chuyên gia tư vấn nhận định, nói là có ngày, có thời điểm, quốc lộ 5 cõng đến 30% số xe chở quá tải 200% là có cơ sở. |
Theo chân Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội “mục sở thị” trên quốc lộ 5 mới thấy giật mình về mức độ vi phạm. Chỉ cần vài tiếng đồng hồ quan sát, có thể phát hiện hàng chục trường hợp xe vi phạm. Đây là chuyện thường ngày trên các tuyến đường, nhưng dường như khó giải quyết dứt điểm bởi vẫn thiếu chế tài xử lý.
Theo cơ quan đăng kiểm, giàn nhíp xe là bộ phận nối giữa khung xe và các cầu xe, có nhiệm vụ đàn hồi, giảm chấn và truyền lực. Yêu cầu kỹ thuật của nhíp được đánh giá bởi các yếu tố định vị đúng, lắp đặt chắc chắn, biến dạng mỏi không quá lớn. Tuy nhiên, nhiều chủ xe đã lách luật bằng cách, khi cho xe đi đăng kiểm thì tháo bộ nhíp chế, lắp nhíp nguyên bản, nên cơ quan đăng kiểm không thể làm gì khác là chứng nhận tình trạng kỹ thuật xe đúng thiết kế ban đầu. Các trung tâm đăng kiểm hiện nay cũng chưa có cơ sở kiểm tra bộ phận đàn hồi bằng kỹ thuật mà chỉ bằng trực quan, trong khi đó, việc lắp thêm giàn nhíp, chở quá tải trọng thiết kế tác động đến hệ thống lái và chiều cao, làm cứng hệ thống treo, tăng độ va đập, ảnh hưởng tới mặt đường và gây rung chấn đến các công trình kiến trúc hai bên đường cũng như phát tiếng ồn quá mức cho phép.
Tình trạng độn nhíp xe là có thật, nhưng trong thực tế chỉ có cơ quan đăng kiểm mới nắm được hồ sơ kỹ thuật của xe, nhưng sổ kiểm định lại không ghi cụ thể, khiến lực lượng CSGT không có căn cứ kiểm tra. Chưa hết, các loại xe tải lắp thêm giàn nhíp để tăng tải trọng xe đều bị coi là vi phạm, không đạt chuẩn an toàn kỹ thuật. Thế nhưng, trong quy định xử lý các lỗi vi phạm do cảnh sát giao thông và thanh tra GTVT thi hành lại không có quy định xử phạt lỗi này.
Rõ ràng, nếu tình trạng thiếu chế tài xử lý cứ tiếp diễn thì chẳng bao lâu nhiều con đường sẽ nát bét, lợi nhuận thì chủ xe hưởng, còn hệ quả xấu thì người dân và ngân sách nhà nước chịu. Tình trạng xe chở quá tải trọng giày xéo các tuyến đường đã đến mức báo động. Để hạn chế tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc tuần tra, xử phạt các vi phạm của lực lượng CSGT đối với các xe quá tải trọng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nên khôi phục và quy hoạch xây dựng mới hệ thống trạm kiểm tra tải trọng trên các tuyến đường, nhất là những tuyến trọng điểm.
Ý KIẾN:
Chưa có chế tài thì không thể xử phạt lái xe
Thượng úy Nguyễn Văn Đạt, Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho biết: Tình trạng gia cố thêm giàn nhíp để tăng tải trọng xe hiện nay là phổ biến, việc phát hiện cũng không khó. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định, chế tài xử phạt, nên lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường không thể xử phạt lái xe. Cũng chính vì thiếu chế tài, nên nhiều lái xe thường viện dẫn lý do: Việc lắp thêm giàn nhíp do chủ xe tự đi làm, còn lái xe chỉ làm việc theo hợp đồng vụ việc, không biết...
Làm rõ cách tính tải trọng đối với từng loại phương tiện
Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) Mai Văn Hồng cho biết: Khắc phục những bất cập quy định về tải trọng phương tiện hiện nay, Bộ GTVT đang soạn thảo dự thảo Thông tư quy định về tải trọng cầu, đường để thay thế cho Quyết định số 60/2007/QĐ-BGTVT theo hướng làm rõ cách tính đối với từng loại phương tiện cụ thể. Theo đó, thông tư mới sẽ quy định cụ thể tải trọng của xe thân liền, tổ hợp xe đầu kéo tương ứng với các loại tải trọng được phép lưu hành. |
Nguyễn Tiến (thực hiện)