Đưa tiêu chí 'đóng đúng, đóng đủ, đóng kịp thời bảo hiểm xã hội' vào nhiệm vụ chính trị hàng năm

Ngày 13/4, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức phiên giải trình về tình trạng chậm đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là bảo hiểm) kéo dài trên địa bàn tỉnh từ 1/1/2020 đến 31/12/2022.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên giải trình.

Phiên giải trình được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến từ điểm cầu Tỉnh ủy đến 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Thực trạng 

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa từ 1/1/2020 đến 31/12/2022, tình trạng chậm đóng bảo hiểm cho người lao động vẫn diễn ra tại các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp; trong đó có nhiều đơn vị chậm đóng thời gian dài với số tiền lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi giải quyết các chế độ, chính sách ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, chốt số bảo hiểm xã hội khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu, chuyển công tác.

Cụ thể, đến 31/12/2022, tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp có 17 đơn vị chậm đóng bảo hiểm từ 2 tháng trở lên với số tiền là 4,6 tỷ đồng; một số đơn vị có số tiền chậm đóng lớn, thời gian kéo dài như Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hóa (tiếp nhận bàn giao số tiền chậm đóng của Ban giải phóng mặt bằng và tái định cư Thành phố Thanh Hóa vào tháng 8/2022) chậm đóng 25 tháng với số tiền 2,6 tỷ đồng; Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng thành phố Thanh Hóa chậm đóng 12 tháng với 317 triệu đồng; Đội đảm bảo giao thông huyện Triệu Sơn chậm đóng 19 tháng với số tiền 498 triệu đồng…

Tỉnh cũng có 2.252 đơn vị khối doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động chậm đóng 314,1 tỷ đồng tiền bảo hiểm khiến 40.144 người lao động bị ảnh hưởng. Trong đó một số doanh nghiệp đang hoạt động với số lao động nhiều, số tiền chậm đóng lớn và thời gian kéo dài như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn FLC SAMSON GOLF & RESORT chậm đóng 22 tháng, với số tiền 18,8 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa chậm đóng 79 tháng với số tiền 15,4 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4 chậm đóng 55 tháng với số tiền 9,2 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp đã giảm hoặc có số lao động rất ít nhưng có số tiền chậm đóng lớn, kéo dài và các đơn vị chức năng đã thực hiện thanh tra, kiểm tra nhiều lần nhưng không thu hồi được như Công ty Cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Long chậm đóng 7,66 tỷ đồng; Công ty Cổ phần xây dựng Hancorp.2 chậm đóng 37,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838 chậm đóng 6,6 tỷ đồng…

Đặc biệt, Thanh Hóa có 520 doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, dừng hoạt động, chủ bỏ trốn... và chưa nộp bảo hiểm với số tiền khó thu là 121,2 tỷ đồng. Hiện cơ quan Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa đã khoanh nợ và không tính lãi chậm đóng kể từ thời điểm đơn vị phá sản, giải thể, ngừng hoạt động.

Chú thích ảnh
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa Nguyễn Văn Tám trả lời chất vấn của đại biểu.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa cho biết, nguyên nhân của việc chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm như trên là do ý thức tuân thủ pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động chưa nghiêm, chây ỳ, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc thu nộp bảo hiểm. Một bộ phận người lao động sợ mất việc, nhận thức hạn chế, e dè không dám đấu tranh nên khi bị chủ sử dụng lao động nợ tiền bảo hiểm vẫn không khởi kiện hoặc ủy quyền cho tổ chức công đoàn khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Ngoài ra, tại Thanh Hóa, việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, nhiều doanh nghiệp không thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra. Cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa có giải pháp mang tính đột phá nhằm giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm…

Mặc dù các địa phương đã cùng cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm nhưng tình trạng chậm đóng kéo dài vẫn diễn ra, thậm chí có những doanh nghiệp đã thực hiện thanh tra, kiểm tra nhiều lần nhưng không thu hồi được với số nợ lên tới hàng chục tỷ đồng. 

Từ năm 2020 đến năm 2022, qua thanh tra, kiểm tra, ngành chức năng tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 16 đơn vị chậm đóng bảo hiểm với số tiền xử phạt là 1,9 tỷ đồng. Tuy nhiên tổ chức Công đoàn các cấp còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm nên đến thời điểm này các tổ chức công đoàn vẫn chưa khởi kiện đơn vị nào. 

Đưa tiêu chí “đóng đúng, đóng đủ, đóng kịp thời bảo hiểm xã hội” vào nhiệm vụ chính trị hàng năm

Chú thích ảnh
Đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Hương nêu câu hỏi chất vấn.

Tại hội nghị, chất vấn về việc chậm đóng bảo hiểm, các đại biểu nêu: Từ năm 2020 đến nay, tình trạng nợ đọng tiếp tục tăng, số doanh nghiệp nợ không giảm, năm sau cao hơn năm trước, tình trạng nợ sau thanh tra, kiểm tra vẫn còn cao. Các đại biểu quan tâm đến hiệu quả xử lý sau thanh tra của các ngành chức năng; Giải pháp khắc phục tình trạng trên, trong đó giải pháp nào là mới và mang tính đột phá...

Bên cạnh đó, các chế tài xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm chưa đủ mạnh nên nhiều đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn tránh, vi phạm chính sách bảo hiểm đối với người lao động. Các đại biểu cũng đưa ra câu hỏi về việc toàn tỉnh hiện có 520 doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, dừng hoạt động, chủ bỏ trốn…, vậy giải pháp để bảo đảm quyền lợi cho người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp này như thế nào?...

Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vũ Thị Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa Võ Hồng Sơn và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã nghiêm túc nhận trách nhiệm trong quá trình thực hiện các vấn đề liên quan đến chậm đóng bảo hiểm, đồng thời phân tích, làm rõ từng nội dung câu hỏi của các đại biểu. Các lãnh đạo trên cũng thừa nhận để xảy ra tình trạng này là do việc chấp hành và chế tài xử lý về lĩnh vực này chưa nghiêm, một phần khác là do chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm xã hội và các địa phương, doanh nghiệp trong việc bảo vệ lợi ích của người lao động. 

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình.

Kết luận phiên giải trình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khẳng định mục đích, ý nghĩa của phiên giải trình nhằm làm rõ thực trạng chậm đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp kéo dài. Qua đó nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, đảm bảo tối đa quyền lợi cho người lao động. Thời gian qua, vấn đề chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm đã được tỉnh nhận diện và triển khai giải quyết nhưng hiệu quả chưa cao do một số cấp chính quyền, đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến chính sách bảo hiểm cũng như quyền lợi của người lao động. 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần tập trung quyết liệt hơn nữa giải quyết, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua liên quan đến tình trạng chậm đóng bảo hiểm. Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa cần phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về Luật Lao động ở các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến chuyên đề bảo hiểm; chỉ đạo toàn diện để giải quyết việc thu hồi nợ đọng bảo hiểm và có trách nhiệm giải quyết các vấn đề khiếu kiện của người dân; lập danh sách đơn vị đã đôn đốc nộp tiền chậm đóng hoặc cố tình không đóng Bảo hiểm xã hội để thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, đối thoại với đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp để phổ biến các quy định, chính sách mới, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Cơ quan Công an cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Ông Đỗ Trọng Hưng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, UBND tỉnh và các huyện, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Tỉnh sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị hành chính sự nghiệp để xảy ra tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội và đưa tiêu chí “đóng đúng, đóng đủ, đóng kịp thời bảo hiểm xã hội” vào đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị hàng năm. 

Ngay sau phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ ban hành kết luận và đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm, các đơn vị liên quan và 27 huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định lộ trình và phân công rõ trách nhiệm để tổ chức triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo Thường trực HĐND tỉnh kết quả thực hiện.

Duy Hưng - Hoa Mai (TTXVN)
Đóng, nộp bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình trực tuyến: Nhanh chóng, thuận tiện
Đóng, nộp bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình trực tuyến: Nhanh chóng, thuận tiện

Không ngừng đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, giúp người tham gia thực hiện các thủ tục đăng ký đóng, nộp bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí và thời gian tối đa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN