“Dự báo nhầm” cơn bão số 3: Thà “bắt nhầm” còn hơn “bỏ sót”

Theo dự báo, cơn bão số 3 hết sức phức tạp và cực kỳ nguy hiểm khiến chính quyền và nhân dân nhiều địa phương dồn sức đối phó. Nhưng thực tế, cơn bão đổ bộ vào đất liền không mạnh như dự báo, khiến nhiều địa phương và người dân tốn kém nhiều công sức, tiền của để di tản và mua sắm các vật dụng chống bão.

Trong khi đó, nếu tham khảo các dự báo của các cơ quan khí tượng nước ngoài cũng thấy rõ từ trước khi bão đổ bộ vào nước ta 5 - 7 ngày, người nước ngoài đã dự báo khá chính xác về đường đi của bão, sức gió và lượng mưa do bão số 3 gây ra. Tuy nhiên, hôm qua (4/8), ông Bùi Minh Tăng (ảnh), Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương đã có giải thích về sự “nhầm lẫn” này.

Có ý kiến cho rằng, trung tâm đã dự đoán chưa chính xác về cơn bão số 3 vừa qua, xin ông giải thích rõ hơn về dự báo của trung tâm về cơn bão số 3?

Cơn bão số 3 (Nock- ten) khi ở ngoài Thái Bình Dương mạnh cấp 8 -9, theo dự báo của chúng tôi và các nước khác đều cho rằng cơn bão này sẽ mạnh lên khi vào đất liền, đạt cấp 9, cấp 10. Tuy nhiên, khi bão chỉ còn cách bờ khoảng 70 – 80 km, cơn bão này đã đột ngột suy yếu và khi đổ bộ vào bờ chỉ còn cấp 8.

Về cơn bão này, chúng tôi đã cập nhật thông tin trước khi bão đổ bộ 4 ngày. Vì các cơn bão đều có những diễn biến phức tạp và có thể thay đổi liên tục nên những dự báo trước này chỉ là định hướng để chúng ta biết trước mà phòng tránh, chỉ khi bão vào cách bờ 70 – 80 km thì chúng ta mới có thể dự báo chính xác được, hoặc dự báo trước khoảng 20 giờ đồng hồ trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Dự báo trước để người dân biết cách phòng tránh, thực tế, chúng tôi đã liên tục cập nhật những thông tin về cơn bão này. Về dự báo mưa cũng vậy, diễn biến khó lường nên chúng ta phải theo dõi liên tục.

Người dân các vùng ven biển cho rằng, bão số 3 đổ bộ vào đất liền chỉ cấp 6-7, không phải cấp 8 như dự báo của trung tâm, ông giải thích thế nào về nhận định này?

Các dự báo và thông báo của trung tâm đều tuân theo tiêu chuẩn quốc gia, do vậy chúng tôi sẽ dựa vào các tiêu chuẩn này để thông báo.

Thực tế, khi bão đổ bộ vào bờ, gió không được phân bố đều. Vừa qua, bão đổ vào Thanh Hóa - Nghệ An nhưng ở khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng gió cũng rất to, hơn nữa mỗi người lại có cảm nhận khác nhau. Do vậy, không thể áp cảm nhận của một khu vực cho cả cơn bão.

Chúng tôi khẳng định việc công bố cấp độ bão theo tiêu chuẩn quốc gia còn những sai số là rất khó kiểm định. Khu vực bão đổ bộ là Thanh Hóa - Nghệ An đã được trung tâm dự báo chính xác, thời gian đổ bộ cũng chuẩn xác. Khi bão đổ bộ, chúng tôi dự báo là cấp 9, khi đổ bộ vào đất liền là cấp 8, chỉ sai số 1 cấp. Thực tế, khi gió cấp 6 đã gây nguy hiểm cho tàu thuyền, tới cấp 8-9 là tương đối mạnh.

Đối với thiên tai, bão lụt thì ta nên cảnh giác, ranh giới giữa ảnh hưởng và không ảnh hưởng là rất mong manh, dự báo cũng chỉ chính xác khi bão cách bờ 200 – 300 km, vì vậy chúng ta phải cảnh báo sớm, đến khi bão đi vào đất liền mới cảnh báo thì sẽ sơ tán không kịp. Ở trên biển, tàu của chúng ta đa số là tàu gỗ loại nhỏ, thô sơ, di chuyển chậm chỉ 5 -7 hải lý/giờ (tương đương 9 - 13 km/giờ), trong khi những cơn bão di chuyển với tốc độ 20 - 25 km/giờ. Kinh nghiệm từ cơn bão Chan-chu cho thấy, nếu không có cảnh báo sớm sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

Trong thời gian tới, trung tâm có kế hoạch nâng cấp trang thiết bị để dự báo chính xác hơn về các cơn bão không, thưa ông?

Để nâng cấp hệ thống dự báo cần nhiều thời gian và tiền của. Như ở Hàn Quốc, hiện đại hóa hệ thống dự báo phải mất 20 năm, Nhật Bản cũng tương tự... Vì vậy, chúng ta cũng cần ít nhất 20 năm và đầu tư quyết liệt.

Hữu Vinh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN