Sống tạm bợ giữa trung tâm thành phố
Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Nghệ An, nằm ngay giữa trung tâm thành phố Vinh, song khu dân cư tại khối Tân Phượng, phường Vinh Tân, thành phố Vinh tồi tàn, xuống cấp. Những căn nhà cấp bốn cũ kỹ nằm lẩn khuất trong những rặng tre, cỏ dại mọc um tùm. Con đường dẫn vào các hộ dân này bằng đất rải đá dăm lổn nhổn bên cạnh những hồ nước đen kịt, bốc mùi hôi thối.
Tại ngôi nhà cấp 4, rộng chừng 50 m2, là nơi sinh sống của 3 thế hệ gia đình bà Nguyễn Thị Quy, khối Tân Phượng, phường Vinh Tân, thành phố Vinh. Từ nhiều năm nay, nhà xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng nhưng do vướng vào quy hoạch của dự án đường Lê Mao kéo dài nên gia đình bà Nguyễn Thị Quy không thể cơi nới, sửa chữa để ổn định cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Quy chia sẻ, ngôi nhà bà được xây từ những năm 90 của thế kỷ trước. Vợ chồng có bốn người con đều đã lập gia đình, song mảnh đất rộng 1.500 m2 này không thể tách thửa chia các con xây nhà ở riêng vì vướng vào quy hoạch dự án đường Lê Mao kéo dài. Hơn 15 năm qua, nhà vẫn phải giữ nguyên hiện trạng dù căn nhà cấp 4 đã xuống cấp trầm trọng. Cuộc sống của cả gia đình với 3 thế hệ gặp rất nhiều khó khăn, bí bách.
Cùng chung cảnh ngộ với gia đình bà Nguyễn Thị Quy, hai mẹ con bà Nguyễn Thị Khương (60 tuổi) cũng đang sống chật vật trong căn nhà mái ngói dột nát phải phủ bằng một lớp bạt màu xanh. Theo bà Khương, khi mùa mưa lũ đến, do xung quanh đã được san lấp xây dựng dự án khu đô thị mới, cao ráo, nước dồn về chỗ trũng nên nhà bà và các hộ xung quanh có khi nước ngập ngâm đến một tuần liền mới rút.
"Mỗi đợt mưa lũ, nước dâng ngập ngang ngực, chúng tôi phải chạy đi sơ tán, nước rút là nỗi lo về dịch bệnh, ẩm mốc. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền các cấp sớm triển khai dự án. Tuy nhiên, đã 15 năm trôi qua vẫn không có gì thay đổi, người dân phải sống tạm bợ mà không biết kêu ai", bà Nguyễn Thị Khương bức xúc.
Theo bà Nguyễn Thị Khương, mong muốn lớn nhất của nhiều hộ dân khối Tân Phượng hiện nay là chính quyền các cấp phải xác định khu tái định cư để người dân ổn định cuộc sống. Nếu dự án không tiếp tục triển khai thì thông báo cho phép người dân được sửa chữa, xây dựng nhà ở mới trên đất hợp pháp của mình để ổn định cuộc sống.
Dự án đường Lê Mao kéo dài có điểm đầu từ điểm giao cắt với đường Trần Phú kéo dài đến sông Vinh thuộc địa phận phường Vinh Tân, thành phố Vinh tổng chiều dài gần 1,5 km, được thi công từ năm 2008 với hai giai đoạn. Song đến nay, dự án chỉ mới triển khai xong giai đoạn I, hoàn thành 1 km thì dừng lại. Sau 15 năm, giai đoạn II của dự án chưa thể triển khai, kéo theo đó là hàng chục hộ dân thuộc khối Tân Phượng, nằm trong diện giải phóng mặt bằng để triển khai dự án bị cấm xây dựng, cơi nới nhà cửa.
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Chủ tịch UBND phường Vinh Tân, thành phố Vinh cho biết, từ nhiều năm nay, cuộc sống của hàng chục hộ dân khối Tân Phượng gặp nhiều khó khăn do nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đường Lê Mao kéo dài giai đoạn II. Đặc biệt, địa hình khu vực các hộ dân khối Tân Phượng ở khá sâu và các mương thoát nước không có, mỗi khi có mưa lớn, nước đổ về nên ngập nhanh và ngập dài ngày.
Theo ông Nguyễn Hoàng Mạnh, việc sớm triển khai thi công dự án đường Lê Mao kéo dài giai đoạn II không chỉ là mong muốn, nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền mà còn của hàng chục hộ dân tại khối Tân Phượng. Đây không chỉ là việc góp phần nâng cấp hạ tầng đô thị cho địa phương, tạo diện mạo mới khang trang, sạch đẹp hơn mà trên hết còn là vì cuộc sống an toàn của các hộ dân.
Chưa xác định được địa điểm tái định cư
Theo báo cáo của UBND thành phố Vinh, giai đoạn II của dự án đường Lê Mao kéo dài có chiều dài 384 m, có 29 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu thuộc khối Tân Phượng phải di dời, diện tích cần giải phóng mặt bằng là hơn 18.000 m2.
Năm 2010, UBND thành phố Vinh dự kiến bố trí khu tái định cư tại phường Trung Đô nhưng người dân nhận thấy không phù hợp nên không đồng ý. Sau đó, do chưa tìm được địa điểm tái định cư phù hợp nên dự án vẫn chưa thể triển khai.
Bên cạnh đó, theo thiết kế, đường Lê Mao kéo dài, từ điểm đầu đường Trần Phú đến bờ sông Vinh khoảng gần 1,5 km được đầu tư theo hình thức BT, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 30 - Handico.
Tuy nhiên, từ năm 2008 sau khi thi công xong hơn 1km và đang làm thủ tục giải phóng mặt bằng đoạn còn lại thì hình thức đầu tư BT bị dừng lại để chuyển sang hình thức đầu tư công. Thế nhưng, do thiếu nguồn vốn nên dự án này cũng dừng lại từ đó đến nay.
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Chủ tịch UBND phường Vinh Tân, thành phố Vinh cho biết, dự án đường Lê Mao kéo dài đã chuyển sang đầu tư công và hiện dự án đang được thành phố lập báo cáo khả thi. Dự kiến đến quý III/2023 sẽ làm thủ tục đấu thầu và phấn đấu thi công trong năm 2024.
Theo ông Mạnh, khó khăn hiện nay là các hộ dân tại khối Tân Phượng trong diện giải phóng mặt bằng để thi công dự án đường Lê Mao kéo dài giai đoạn 2 đều có nguyện vọng tái định cư tại phường. Dự kiến quỹ đất tái định cư cho khu vực này khoảng 16.000 m2 và phường Vinh Tân hiện không còn vị trí nào phù hợp nên thành phố vẫn đang tìm kiếm địa điểm tái định cư.
Ông Nguyễn Đức Thiện, Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Vinh cho biết, Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã có chủ trương tái khởi động lại dự án bằng nguồn vốn ngân sách. Hiện Ban quản lý dự án đã lập báo cáo khả thi xong và trình lên Sở Xây dựng tỉnh thẩm định. Tuy nhiên, việc hoàn thành dự án sớm hay muộn tùy thuộc vào nguồn lực của thành phố và tỉnh, bên cạnh đó là sự chia sẻ, đồng thuận của các hộ dân.
Hơn 15 năm không hoàn thiện được một dự án đã kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Hơn lúc nào hết những hộ dân nằm trong dự án đường Lê Mao kéo dài chỉ mong dự án đừng kéo dài thêm nữa và thành phố Vinh sớm di dời người dân đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.