Đồng Tháp nỗ lực chăm lo cho người gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19

Đồng Tháp đã trải qua gần 60 ngày thực hiện nghiêm biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian qua, cùng với nhiệm vụ cấp bách là tập trung phòng, chống dịch, công tác chăm lo, bảo đảm đời sống cho người dân, nhất là các đối tượng khó khăn được các cấp, ngành và địa phương của tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm.

Chú thích ảnh
Các lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang sinh sống tại các phòng trọ trên địa bàn thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. 

Kịp thời hỗ trợ an sinh

Với tinh thần chủ động, khẩn trương rà soát các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, các cấp, các ngành và địa phương đã đưa các gói hỗ trợ an sinh xã hội đến với người dân kịp thời, chính xác.

Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, chỉ riêng trong ngày 10/9, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho 292 lao động tự do với số tiền 438 triệu đồng, nâng tổng số người được hỗ trợ đến nay là 57.426 người, với tổng số tiền trên 86,1 tỷ đồng; hỗ trợ 139 hộ kinh doanh với hơn 410 triệu đồng, lũy kế đến nay có 1.306 hộ được nhận hỗ trợ, với trên 3,9 tỷ đồng. Ngoài ra, đến nay, có 2.016 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đã được kịp thời hỗ trợ với gần 7,7 tỷ đồng.

Thống kê trong ngày, Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận hàng trăm ý kiến liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và Tổng đài viên đã trả lời trực tiếp 545 ý kiến chiếm 92,04% tổng số ý kiến nhận được. Cụ thể, có 258 ý kiến liên quan đến nhóm đối tượng lao động tự do được hưởng hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và các nội dung về điều kiện, thủ tục để được hưởng chính sách; 275 ý kiến về trường hợp người dân ở tỉnh khác muốn trở về quê, tiêm vaccine; việc di chuyển mua lương thực, tiêu thụ nông sản,…; 8 lượt ý kiến của người dân đề nghị được hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm do gặp rất nhiều khó khăn vì dịch COVID-19 kéo dài.

Đồng Tháp đặt mục tiêu chuyển biến mạnh tình hình dịch bệnh sau ngày 15/9. Hiện, trong đợt 5 toàn tỉnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh dần được kiểm soát và kiềm chế. Số ca mắc mới giảm sâu và 6.123 bệnh nhân đã được xuất viện. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu các địa phương làm tốt hơn nữa công tác quản lý, nắm chắc địa bàn, hạn chế phát sinh điểm nóng mới, đồng thời quan tâm nắm tình hình dư luận, kịp thời xử lý các phản ánh, kiến nghị của nhân dân; chủ động hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, trong đó Mặt trận Tổ quốc các cấp giám sát chặt chẽ việc này; phát huy các mô hình túi an sinh, combo nông sản, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đoàn thể các xã, phường, thị trấn phải sâu sát hơn, nắm chắc tình hình và hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong nhấn mạnh, địa phương phải đi trước một bước, không chờ người dân lên tiếng cần được hỗ trợ rồi mới làm. Ngoài hỗ trợ các đối tượng theo chế độ, chính sách quy định, cần vận động các nhà hảo tâm, xã hội hóa các nhu yếu phẩm, lương thực để hỗ trợ thêm cho người dân thật sự khó khăn. Qua đó, giúp cho người dân an tâm hơn và chấp hành quy định trong thời gian tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội.

Trước đó, những ngày cuối của đợt giãn cách xã hội đợt 4 (từ ngày 26/8 - 5/9), qua kiểm tra, giám sát công tác trực đường dây nóng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thời gian qua cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể như, cùng một cấp hành chính nhưng có quá nhiều số điện thoại đường dây nóng; đường dây nóng không có người trực; người tiếp nhận thông tin chỉ tiếp nhận trả lời qua loa thiếu trách nhiệm; hướng dẫn gọi lòng vòng qua nhiều số khác, không lập sổ theo dõi xử lý phản ánh.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 được kịp thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thiết lập và cung cấp lại số điện thoại đường dây nóng thống nhất của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ có duy nhất một số điện thoại đường dây nóng thống nhất chung. Sau khi thiết lập đường dây nóng, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nhanh chóng tuyên truyền đến nguời dân bằng các hình thức phù hợp trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; tổ chức phân công và có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các bộ phận, đơn vị trực thuộc để xử lý phản ánh được kịp thời; tuyệt đối không được để người dân phải liên hệ nhiều cơ quan, qua nhiều số điện thoại mới được hỗ trợ giải quyết.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương bố trí nhân sự trực đường dây nóng 24/24 giờ, xử lý kịp thời các phản ánh của người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việc tiếp nhận, giải quyết phản ánh của người dân phải được ghi chép rõ ràng vào Sổ theo dõi để quản lý thông tin tiếp nhận.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra việc người dân phản ánh nhưng không có người tiếp nhận thông tin, hướng dẫn lòng vòng, không xử lý kịp thời các nội dung phản ánh...

Hỗ trợ 3 nhóm đối tượng từ TP Hồ Chí Minh về địa phương

Liên quan đến việc đón công dân từ TP Hồ Chí Minh về quê, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong thông tin, tỉnh đã có kế hoạch, phương án lần đầu tiên thực hiện đón công dân từ TP Hồ Chí Minh, yêu cầu phải đảm bảo an toàn trong quá trình tiếp nhận, cách ly.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Quy trình, cách làm bảo đảm yêu cầu an toàn phòng, chống COVID-19 phải đặt lên hàng đầu, trong đó có việc phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR, sau đó test nhanh trước khi lên xe về Đồng Tháp. Các huyện, thành phố phải có trách nhiệm đón, bố trí, theo dõi sức khỏe, xét nghiệm định kỳ và cách ly công dân về từ vùng dịch theo quy định”.

Riêng trong ngày 10/9, tỉnh ghi nhận thêm 58 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (tăng 17 ca so ngày hôm qua), gồm 35 ca trong các cơ sở cách ly y tế, 6 ca trong khu vực phong tỏa và 17 ca trong cộng đồng. Toàn tỉnh còn đang điều trị cho gần 1.500 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 1.326  trường hợp không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, 89 ca triệu chứng trung bình, 43 ca bệnh nặng và 39 trường hợp rất nặng. Do đó, việc lần đầu tiên đón 186 công dân trở về quê vào ngày 11/9 là nỗ lực rất lớn của địa phương.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp Lê Thành Công thông tin, trước 15/8, Đồng Tháp đã có kế hoạch hỗ trợ công dân Đồng Tháp tại TP Hồ Chí Minh về quê với một số lượng nhất định, nhưng do tình hình diễn biến dịch COVID-19 ở Đồng Tháp phức tạp nên việc đón công dân về quê đã chậm lại. Trong lần này, Đồng Tháp dự kiến đón số công dân thuộc 3 đối tượng về địa phương, gồm: Người cao tuổi, trẻ em (trẻ em phải trở về đi học sau kỳ nghỉ hè bị kẹt ở TP Hồ Chí Minh) và phụ nữ mang thai. Sau đợt đón công dân lần này, tùy tình hình dịch bệnh, tỉnh có kế hoạch đón đợt tiếp theo.

Tin, ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Chăm lo tốt hơn cho người dân để sớm đẩy lùi dịch bệnh
Chăm lo tốt hơn cho người dân để sớm đẩy lùi dịch bệnh

Đến nay, công tác an sinh xã hội tại các địa phương phía Nam đã từng bước đã được tháo gỡ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người dân vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn địa phương triển khai chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN