Đồng Tháp bảo vệ đê bao chống lũ cho hơn 130.000 ha lúa Thu Đông

Mặc dù lũ năm 2017 về sớm và cao hơn so cùng kỳ năm 2016 nhưng tỉnh Đồng Tháp làm tốt công tác bảo vệ đê bao vững chắc chống lũ cho hơn 130.000 ha lúa Thu Đông.

Cụ thể, diện tích giảm gần 10.000 ha so với năm 2016;  trong đó có nhiều địa phương chủ trương giảm diện tích, thậm chí không xuống giống vụ Thu Đông nhằm hạn chế dịch bệnh cũng như ảnh hưởng bất lợi của thời tiết khi lũ về sớm.

Theo báo cáo của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, đến nay toàn tỉnh thu hoạch lúa Thu Đông hơn 104.000 ha, năng suất bình quân đạt 5,62 tấn/ha.

Trước dự báo lũ có thể về sớm, cao hơn kỳ cùng nhiều năm, ngành nông nghiệp ở huyện Tam Nông đã chủ động đề ra biện pháp ứng phó. Địa phương đã cho rà soát lại hệ thống thủy lợi trên địa bàn. Ngoài điều kiện thời tiết, mưa lũ thì dịch bệnh vàng lùn lùn xoắn lá là điều quan tâm nhất của ngành nông nghiệp hiện nay.

Nhằm bảo vệ diện tích lúa vụ Thu Đông năm 2017 ngoài quy hoạch, nông dân xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười đã tự nguyện đóng góp kinh phí trên 900 triệu đồng để gia cố, nâng cấp cao trình bờ bao bảo vệ diện tích lúa đã xuống giống.

Ngoài việc bảo vệ đê bao phục vụ sản xuất lúa Thu Đông nhưng ở huyện Hồng Ngự nhiều diện tích không sản xuất lúa Thu Đông, sang xả lũ đón phù sa phục vụ cho lúa Đông Xuân sắp tới. Ở Hồng Ngự sau nhiều năm đê bao khép kín, năm nay nông dân phấn khỏi xả lũ đón phù sa.

Liên tục hơn 6 năm với gần 18 vụ sản xuất khép kín, đến nay nông dân và chính quyền địa phương huyện Hồng Ngự cùng nhau ra đồng tiến hành xả lũ đón phù sa từ sông Tiền ở 3 đê bao lớn của 11 xã trong huyện với diện tích gần 12.000 ha.

Ông Ca Hữu Tâm, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, cho biết không xả lũ được thì rơm rạ, ngộ độc hữu cơ và chuột cắn phá, bệnh nhiều nên làm không có năng suất mặc dù diện tích thì nhiều. Bây giờ chính quyền xả lũ được thì người dân rất mừng để phân hủy rơm rạ, chuột bọ, diệt vi khuẩn trong đất chuẩn bị cho vụ Đông Xuân tới.

Vụ lúa Thu Đông mặc dù giảm diện tích nhưng quyết định rất lớn đến sản lượng lúa cả năm của tỉnh. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo diện tích, năng suất, sản lượng thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp nhằm gia tăng chất lượng lúa, gạo.


Qua gần 30 ngày thực hiện xả lũ, tạo phù sa cho đất, giúp người nông dân sản xuất hiệu quả hơn, thị xã Hồng Ngự là huyện đầu tiên của tỉnh đang bắt đầu tiến hành bơm rút nước ra để chuẩn bị cho công tác xuống giống vụ lúa Đông Xuân sớm. Với diện tích khoảng 200 ha, thuộc ô bao khu 2 thuộc xã Tân Hội thực hiện bơm rút nước đầu tiên trên địa bàn thị xã Hồng Ngự.

Theo chính quyền địa phương cho biết, do xả lũ có kiểm soát, mực nước thấp nên chi phí bơm rút nước cũng không quá cao. Với cách làm thiết thực, hiệu quả hầu hết người dân đều đồng tình.

Sau ô bao này, các khu ô bao xả lũ còn lại trên địa bàn thị xã Hồng Ngự và các huyện, thị, thành khác trong tỉnh tiếp tục tiến hành bơm rút nước, để đảm bảo cho việc xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2017 - 2018 kịp thời vụ.

Nguyễn Văn Trí (TTXVN)
Hệ thống đê bao chống lũ ở Đắk Lắk bị sạt lở
Hệ thống đê bao chống lũ ở Đắk Lắk bị sạt lở

Hiện nay, nhiều đoạn trên dọc tuyến đê bao bị nước thấm làm sạt lở nhiều đoạn mái taluy kéo dài hàng trăm mét, mặt đê bị rạn nứt, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Cụ thể, tại khu vực cầu Sắt đến cống tiêu C10 dọc theo suối Krông Diêk, xã Dur Kmăl bị sạt lở cả mái taluy dài 300m; tại cầu Bàu Gai 2, xã Bình Hòa bị sạt lở dài 100m.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN