Tại 2 huyện nêu trên, nước lũ làm ngập nhiều nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi và gần 300 ha cây trồng, chủ yếu là lúa, làm chết 2.000 con gà. Lũ cũng khiến hàng loạt cá bị chết, cuốn trôi hàng chục lồng bè, gây thiệt hại khoảng 1.000 tấn cá của người dân nuôi trên sông Đồng Nai và sông La Ngà. Trong số đó, xã Phú Vinh và Ngọc Định, huyện Định Quán thiệt hại nặng nề nhất với khoảng 700 tấn cá. Đến tối nay, tình trạng cá chết vẫn tiếp tục xảy ra ở các lồng bè nuôi trên sông La Ngà, thuộc xã Ngọc Định.
Hiện chính quyền 2 huyện đang huy động lực lượng túc trực để phòng chống lũ. Hỗ trợ người dân vùng thấp trũng di chuyển đến nơi an toàn, chằng buộc nhà cửa, gia cố lại bè cá, vớt cá chết. Địa phương tiếp tục xác minh, thống kê những hộ bị thiệt hại do thiên tai để có giải pháp hỗ trợ.
Theo Đài khí tượng thủy văn Đồng Nai, hiện nước ở thượng lưu hệ thống sông Đồng Nai đang lên rất nhanh. Đến tối nay, mực nước tại trạm Tà Lài trên sông Đồng Nai là khoảng 113,4 m, trên mức báo động 3 (tình huống lũ khẩn cấp) là 0,4 m. Mực nước tại trạm Phú Hiệp, trên sông La Ngà gần 106 m, vượt báo động 2. Trong vài ngày tới, mực nước tại các khu vực này tiếp tục duy trì ở mức cao. Riêng tại trạm Tà Lài, nước có thể lên cao tương đương trận lũ lịch sử năm 1987 (hơn 114m).
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai, Tân Phú và Định Quán là 2 huyện ở đầu nguồn hệ thống sông Đồng Nai. Những ngày qua, do mưa lớn, thủy điện xả lũ nên nước các sông trên địa bàn 2 huyện dâng cao, gây thiệt hại về tài sản; tại các địa phương khác trên địa bàn Đồng Nai, chưa ghi nhận thiệt hại do mưa lũ.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai đề nghị các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai nhằm kịp thời thông báo cho cộng đồng biết để chủ động ứng phó với lũ lụt, sạt lở bờ sông.
Khi có ngập lụt, lũ lớn xảy ra, các địa phương cần huy động lực lượng chốt trực tại những khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, hướng dẫn người dân lưu thông an toàn, đồng thời cắm biển báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai. Khi có thiệt hại do thiên tai, địa phương chủ động kiểm tra, thống kê, xác minh, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại theo quy định.