Đồng bộ giải pháp phòng, chống cháy rừng vào cao điểm mùa nắng nóng

Cuối tháng 4/2025, Cục Lâm nghiệp và Kiểm Lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đưa ra cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V) đối với 37 khu vực rừng, tập trung chủ yếu tại khu vực Nam Bộ và một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ cháy rừng tại núi Nghiêm, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, chiều 21/3. Ảnh: TTXVN phát.

Cùng với đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình nắng nóng ngày càng gay gắt, kéo dài trong thời gian tới, công tác cảnh báo nắng nóng, cháy rừng cần tiếp tục được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Để chủ động trong ứng phó với "giặc lửa", đòi hỏi các giải pháp đồng bộ cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp chính quyền và người dân.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang Phạm Mạnh Duyệt, không có cách nào khác đối phó với “giặc lửa” là các địa phương trong tỉnh phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về luật pháp và các quy định liên quan; nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và phòng, cháy chữa cháy rừng cho người dân; phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện các buổi tập huấn, diễn tập về phòng cháy, chữa cháy rừng trong cộng đồng... Trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để bám sát hiện trường, nhận định, đánh giá đúng tình hình nhằm nhanh chóng đưa ra các phương án xử lý; quyết liệt chỉ đạo các lực lượng theo phương án tác chiến; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa chỉ huy đến các tổ, nhóm tham gia chữa cháy và chú trọng khâu hậu cần để duy trì, bảo đảm sức khỏe cho các lực lượng tham gia chữa cháy...

Tỉnh Tuyên Quang thực hiện nghiêm nguyên tắc “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ; “3 kịp thời” gồm kịp thời phát hiện cháy, kịp thời huy động lực lượng, kịp thời dập tắt đám cháy. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng quân đội, công an, kiểm lâm, dân quân và nhân dân; sử dụng hiệu quả các biện pháp khống chế ngọn lửa, đề phòng nguy cơ cháy bùng phát trở lại…

Trong khi đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan phải xem phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thực hiện từ sớm, từ xa và ngay tại cơ sở. Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa cũng thực hiện các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng; tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Để bảo vệ an toàn "lá phổi xanh" cho địa phương, nhiều chủ rừng thuộc tỉnh Khánh Hòa đã chú trọng phương châm “phòng là chính, cơ sở là chính”.

Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Quản lý bảo vệ rừng Công ty Trầm Hương (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) Hà Văn Cốc cho biết, công ty đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã Khánh Đông, Khánh Nam và Khánh Bình tổ chức 66 buổi tuyên truyền tại thôn, buôn với sự tham gia của hơn 100 lượt hộ dân/buổi; đồng thời, phát hiện, lập biên bản cam kết không sử dụng lửa trong rừng và khu vực giáp ranh với hơn 25 hộ có nguy cơ cao. Các đội tuần tra được bố trí trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực tế, hướng dẫn người dân thời điểm đốt thực bì an toàn khi sản xuất, tránh khung giờ cao điểm nắng nóng.

“Công tác phòng cháy chữa cháy rừng không chỉ là nhiệm vụ của ngành kiểm lâm hay công ty, mà cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, người dân và toàn xã hội. Sự phối hợp liên kết giữa các bên là yếu tố then chốt để bảo vệ rừng bền vững”, ông Hà Văn Cốc nhấn mạnh.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Danh khẳng định, Chi cục Kiểm lâm và các hạt kiểm lâm địa phương đã tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường; kiểm tra việc xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của từng đơn vị; theo dõi thông tin cảnh báo sớm trên hệ thống quốc gia tại địa chỉ www.kiemlam.org.vn; kịp thời cung cấp thông tin để các đơn vị chủ rừng và chính quyền cơ sở theo dõi, xử lý khi có tình huống xảy ra.

Đối với tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị có liên quan tiếp tục chủ động phòng cháy chữa cháy rừng; trong đó, thực hiện có hiệu quả phương châm phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để và cần đặc biệt chú ý an toàn tính mạng con người, tài sản khi tham gia chữa cháy rừng… Cùng với đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp an toàn về phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hộ dân về kỹ thuật xử lý thực bì trong sản xuất nương rẫy không để xảy ra cháy lan vào rừng.

Theo Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang Trần Văn Thắng, Vườn quốc gia U Minh Thượng tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn cao điểm mùa khô. Cụ thể là rà soát lại phương án phòng cháy, chữa cháy rừng để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời bổ sung các điều kiện cần thiết, cấp bách, giải pháp thực hiện phù hợp với thực tế từng khu vực lâm phần.

Vườn tổ chức 100% lực lượng tham gia ứng trực tại các điểm, chốt 24/24 giờ để chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng có thể xảy ra. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Vườn tăng cường tuần tra, kiểm soát chống người xâm nhập vào rừng trái phép; phối hợp với lực lượng kiểm lâm liên huyện chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cho công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.

Bên cạnh đó, Vườn quốc gia U Minh Thượng theo dõi chặt chẽ thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, thông báo nhanh chóng, kịp thời đến các địa phương và cư dân làng rừng biết để cảnh giác cháy, sử dụng lửa cẩn thận, an toàn, chủ động tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không vi phạm lâm luật, không vào rừng trái phép…

Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, thời gian qua, trung tâm liên tục phát tin, cảnh báo và khuyến nghị các biện pháp phòng, chống nắng nóng, nắng nóng gay gắt, đặc biệt gay gắt của các khu vực trên cả nước và khuyến cáo về khả năng cao xảy ra cháy rừng. Trong tháng 5, nắng nóng tiếp tục xuất hiện trên phạm vi toàn quốc. Nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ còn duy trì đến khoảng tháng 8.

Trước dự báo nắng nóng còn kéo dài trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nghiêm Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2025 về chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. 

Trước đó, tình trạng cháy rừng đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân. Từ đầu năm 2025 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 129 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 150 ha rừng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024.

Thắng Trung (TTXVN)
Gia Lai kịp thời dập tắt đám cháy rừng 
Gia Lai kịp thời dập tắt đám cháy rừng 

Nhờ vận dụng phương châm "4 tại chỗ" trong phòng cháy chữa cháy rừng, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã kịp thời dập tắt đám cháy rừng xảy ra tại làng Nẻh, xã Ia Din, huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN