An Giang: Nâng cảnh báo cháy rừng lên cấp cực kỳ nguy hiểm

Thời tiết khô, hạn kéo dài, nhiều diện tích rừng trên địa bàn An Giang dự báo có nguy cơ xảy ra cháy lớn, tốc độ lửa lan tràn rất nhanh. Hiện tỉnh An Giang đã nâng mức cảnh báo cháy rừng lên cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm ở nhiều khu vực có rừng, việc phòng chống cháy rừng đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang khẩn trương triển khai với phương châm “chủ động từ sớm, ứng phó kịp thời”.

Chú thích ảnh
Cây trên khu vực núi Dài, xã Lương Phi (Tri Tôn, An Giang) bị khô héo. 

Toàn tỉnh An Giang hiện có trên 17.000 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, tập trung nhiều tại các huyện miền núi như Tri Tôn, Tịnh Biên và Thoại Sơn. Đây là những địa bàn có nguy cơ cháy rừng cao do thảm thực bì dày, rừng trồng xen lẫn khu dân cư, và thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn kéo dài. 

Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy rừng với tổng diện tích là 2,39 ha. Các vụ cháy được phát hiện và các địa phương tổ chức cứu chữa kịp thời nên chỉ bị thiệt hại 0,06 ha rừng trồng.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, nắng nóng có khả năng xuất hiện xấp xỉ trung bình nhiều năm tại khu vực Nam Bộ, khô hạn sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trong đó có An Giang sẽ gây ra nguy cơ cháy rừng rất cao. 

Để phòng, chống cháy rừng, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, ngay từ đầu mùa khô, các hạt kiểm lâm đã xây dựng và triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” gồm lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy tại chỗ. Đồng thời tổ chức nhiều chốt canh gác, thường xuyên tuần tra, theo dõi tình hình tại các điểm rừng dễ cháy.

“Với quyết tâm không để xảy ra cháy lớn, cháy lan, các địa phương ở An Giang đang nỗ lực duy trì trực ban 24/24 giờ trong suốt mùa khô. Mọi thông tin liên quan đến nguy cơ cháy rừng đều được tiếp nhận và xử lý kịp thời qua đường dây nóng phòng cháy, chữa cháy rừng. 

Chú thích ảnh
Lớp thực bì tại khu vực núi Dài, xã Lương Phi (Tri Tôn, An Giang) bị khô dày đặc nguy cơ cháy lớn nếu tiếp xúc với lửa. 

"Thời gian qua lực lượng kiểm lâm cũng tổ chức nhiều buổi diễn tập chữa cháy; tập trung kiểm tra hệ thống đường băng cản lửa, máy bơm nước, bình xịt chữa cháy và các phương tiện cơ giới. Đồng thời đẩy nhanh dọn dẹp thực bì, phát hoang tạo đường băng an toàn ở nhiều khu vực rừng trọng điểm nhằm ngăn lửa lan rộng khi xảy ra sự cố cháy”, ông Hùng cho biết.

Hiện tỉnh An Giang cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về phòng chống cháy rừng qua nhiều kênh như loa truyền thanh, phát tờ rơi, bảng khuyến cáo tại các lối ra vào rừng, và đặc biệt là truyền thông mạng xã hội. Theo đó người dân được phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ rừng, xử phạt hành vi gây cháy và hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống khi phát hiện đám cháy. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để kiểm tra rừng từ trên cao, đặc biệt trong những ngày cao điểm nắng nóng hoặc sau các hoạt động đốt nương làm rẫy.

Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang hiện được giao quản lý, bảo vệ, phát triển trên 13.277 ha rừng phòng hộ, đặc dụng tại các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn và Châu Đốc. Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang cho biết, xác định bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong mùa khô, hiện đơn vị đã chủ động xây dựng phương án, đảm bảo ứng trực đủ quân số, tập trung cao độ, triển khai nhiều giải pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí lực lượng tại các trạm quản lý rừng liên huyện để tuần tra, trực gác theo từng khu vực cụ thể, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi cần thiết.

Theo ông Nhân, hiện phòng, chống cháy rừng ở khu vực biên giới An Giang gặp rất nhiều khó khăn, do địa bàn rừng núi phân bố rộng khắp 4 huyện, thị, thành như: Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên và Châu Đốc. Trong khi lực lượng bảo vệ rừng khá mỏng; phương tiện, dụng cụ phòng chống cháy rừng còn thiếu. Để phòng chống cháy rừng đạt hiệu quả, Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh đề nghị tỉnh bố trí nguồn kinh phí mua sắm, bổ sung trang bị chữa cháy rừng hằng năm. Trong số đó, tỉnh nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm từ 8 -10 hồ chứa nước từ 1.000 - 1.500 m2 ven chân núi trên địa bàn huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên để dự trữ nước phục vụ cho chữa cháy rừng khi xảy ra cháy; kết hợp phục vụ dân sinh.

Chú thích ảnh
Lực lượng kiểm lâm An Giang kiểm tra phòng chống cháy rừng trên khu vực núi Dài, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. 

Để phòng, chống cháy rừng đạt hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm An Giang cũng đề nghị UBND tỉnh có chủ trương xây dựng hệ thống bồn nước, các đường giao thông trên các núi tại các vùng trọng điểm có khả năng gây cháy rừng nhằm chủ động nguồn nước, cũng như có đường giao thông để cơ động lực lượng tham gia chữa cháy rừng. 

Đồng thời, trang bị xe ô tô bán tải chuyên dụng cho các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm để thay thế các xe đã hết niên hạn sử dụng nhằm kịp thời phục vụ tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, vận chuyển phương tiện, thiết bị, dụng cụ chữa cháy cơ động trong bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn. Đặc biệt, trong giai đoạn 2026-2030, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh có chủ trương tiếp tục thực hiện rà phá bom mìn, vật liệu nổ trên diện tích rừng phòng hộ đồi núi các huyện, thị xã, thành phố có rừng.

Tin, ảnh: Thanh Sang (TTXVN)
Nắng nóng kéo dài, Cao Bằng liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng
Nắng nóng kéo dài, Cao Bằng liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ cháy rừng tại tỉnh Cao Bằng tăng cao, liên tiếp hàng chục vụ cháy xảy ra khiến cho địa phương mất hơn 50 ha rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN