Đồng bào Công giáo Đắk Lắk đồng lòng cùng cả nước đẩy lùi đại dịch COVID-19

Đồng bào Công giáo Đắk Lắk luôn đồng hành và góp phần không nhỏ trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch.

Thực hiện lời Huấn dụ của Đức Giáo hoàng Francis đối với người Công giáo Việt Nam: “Người Công giáo Việt Nam phải là công dân tốt. Người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước. Người Công giáo Việt Nam phải đồng hành cùng dân tộc xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc”, đồng bào Công giáo tỉnh Đắk Lắk đã tích cực lao động sản xuất, ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng bào luôn đồng hành và góp phần không nhỏ trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch.

Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”

Chú thích ảnh
Trang trí hang đá tại nhà thờ Giáo xứ Kim Phát, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin. 

Tỉnh Đắk Lắk là tỉnh có đông đảo đồng bào Công giáo sinh sống với hơn 262.000 người. Bên cạnh việc duy trì tốt công tác từ thiện bác ái, giúp đỡ những người yếu thế, bất hạnh trong xã hội…, trong những thời điểm “nước sôi lửa bỏng” của dịch COVID-19, đồng bào Công giáo tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, tiếp sức cho người dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung cùng vượt qua khó khăn.

Tiêu biểu như khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam trong năm 2021, Giáo xứ Mẫu Tâm (thành phố Buôn Ma Thuột) đã khởi xướng và kêu gọi ủng hộ được hơn 35 chuyến xe tải chở hàng chục tấn hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm… chi viện cho nhân dân TP Hồ Chí Minh khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Các Giáo xứ Thánh Tâm, Chi Lăng  (thành phố Buôn Ma Thuột), Giáo xứ Quảng Nhiêu (huyện Cư M’gar), Giáo xứ Tân Hòa (huyện Cư Kuin)… huy động được hàng trăm tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm giúp đỡ nhân dân các tỉnh phía Nam.

Không chỉ tiếp sức kịp thời cho nhân dân các tỉnh phía Nam, các Giáo xứ ở Đắk Lắk còn đùm bọc, tích cực hỗ trợ cho sinh viên, người lao động của Đắk Lắk về quê trách dịch và cả những buôn đồng bào dân tộc thiếu số gặp khó khăn trong đại dịch. Điển hình như gia đình ông Vũ Quốc Khanh, Giáo xứ Kim Phát, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin, không chỉ ủng hộ tiền mặt, vật phẩm để phục vụ phòng, chống dịch, với nghĩa cử cao đẹp, tinh thần chia sẻ, gia đình ông đã tình nguyện phục vụ bữa cơm không đồng (ngày hai bữa) cho 350 người trong suốt 20 ngày cách ly tập trung của sinh viên và người lao động của huyện Cư Kuin về quê trách dịch, với tổng trị giá khoảng 350 triệu đồng.

Theo ông Vũ Quốc Khanh, dịch COVID-19 đã khiến nhiều người mất việc làm, rơi vào hoàn cảnh khó khăn phải trở về quê để trách dịch. Với mong muốn đóng góp một phần công sức để giúp đỡ, động viên những người đang gặp khó khăn, gia đình đã huy động lực lượng con, cháu tham gia hỗ trợ và thực hiện chương trình bữa cơm không đồng để phần nào giảm bớt vất vả cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đắk Lắk Dương Văn Tuệ cho biết: Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bà con ở các tỉnh phía Nam và cả ở Đắk Lắk đều bị ảnh hưởng nặng nề, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Với tinh thần chia sẻ, “tương thân tương ái” và hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Giáo mục Việt Nam, các giáo xứ ở Đắk Lắk đã đồng lòng hưởng ứng, huy động sự đóng góp với hàng trăm xe tải chở rau, củ, quả, nhu yếu phẩm vào tâm dịch để hỗ trợ kịp thời người dân các tỉnh phía Nam cũng như đồng bào ở các buôn làng Đắk Lắk bị phong tỏa, cách ly để phòng, chống dịch. Giáo phận Ban Mê Thuột cũng nhắc nhở bà con: "Dù nhà thờ đóng cửa do dịch bệnh nhưng tâm hồn sẵn sàng mở ra để tương thân tương ái, mở ra tấm lòng nhân ái để tiếp tục giúp đỡ những người khó khăn trong đại dịch".

Sẵn sàng lên tuyến đầu chống dịch

Chú thích ảnh
Giáo dân tại xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin trang trí nhà cửa bằng hệ thống đèn nháy để chào đón Giáng sinh tại gia đình. 

Cuộc chiến với đại dịch COVID-19 còn lâu dài và gian nan, trong cuộc chiến ấy, các nhân lực của ngành Y tế luôn nỗ lực hết mình. Thời gian qua, khi tỉnh Đắk Lắk là một trong những “điểm nóng” về dịch COVID-19 của cả nước, lực lượng y tế phải hoạt động hết công suất và thiếu hụt nhân lực.

Trước tình hình đó, Giáo phận Ban Mê Thuột đã thông báo đến tất cả linh mục, tu sĩ nam nữ, tín hữu trong Giáo phận tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19. Trên tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột Nguyễn Văn Bản kêu gọi tất cả linh mục, tu sĩ nam nữ, tín hữu có chuyên ngành Y tế như: điều dưỡng, giảng viên, sinh viên, học viên... tình nguyện tham gia làm việc tại các bệnh viện dã chiến của tỉnh và sẵn sàng hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Linh mục Chánh xứ Phạm Thế Truyền, Giáo xứ Kim Phát, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin cho biết: Hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo phận Ban Mê Thuột, Giáo xứ Kim Phát kêu gọi những linh mục, tu sĩ… có chuyên môn và được đào tạo về y tế  tình nguyện tham gia phòng, chống dịch. Hiện có nhiều tu sĩ, tín hữu trực tiếp tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 2 và Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Theo ông Dương Văn Tuệ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đắk Lắk, năm 2021, dịch COVID-19 đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề, trong hoàn cảnh khó khăn ấy, đồng bào Công giáo trong tỉnh nói riêng cùng nhân dân cả nước nói chung đã chung tay, góp sức với những việc làm đầy ý nghĩa và thiết thực, đặc biệt luôn sẵn sàng tham gia trên tuyến đầu chống dịch để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Thời gian tới, bên cạnh việc góp sức cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng bào Công giáo tiếp tục duy trì và thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” nhằm hướng đến mục tiêu chung là xây dựng quê hương Đắk Lắk giàu đẹp và đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tin, ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
Đồng bào Công giáo Bạc Liêu đón Giáng sinh an toàn; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả
Đồng bào Công giáo Bạc Liêu đón Giáng sinh an toàn; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả

Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến đời sống, sản xuất của người dân, tuy nhiên đồng bào Công giáo, Tin lành trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chung sức, đồng lòng cùng các cấp chính quyền nỗ lực vượt qua thách thức; đoàn kết xây dựng đất nước, đón lễ Giáng sinh an lành, đầm ấm, đề cao tinh thần chống dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN