Đời sống công nhân lao động tại các khu công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn

Tiền lương không đảm bảo, phần lớn công nhân hiện nay phải ở tạm bợ, làm thêm quá sức. Các chuyên gia đề xuất mức lương tối thiểu phải tăng lên để đảm bảo đời sống cho người lao động.

Chú thích ảnh
Nhiều ý kiến tranh luận tại tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống, thu nhập của người lao động, đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2020.

Đó là những ý kiến trao đổi tại tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống, thu nhập của người lao động, đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 10/7, tại Hà Nội.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay lương cơ bản vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của công nhân, không phù hợp với năng suất lao động ngày càng tăng lên. Mức lương tối thiểu hiện mới đáp ứng được gần 95% mức sống tối thiểu của người lao động, do vậy việc tăng mức lương tối thiểu là rất cần thiết.

Nói về thực tế đời sống của công nhân hiện nay, ông Trần Đình Thắng, Phó chủ tịch Công đoàn khu chế xuất Hà Nội cho rắng: Quy định mức lương hơn 4 triệu đồng theo mức lương tối thiểu hiện nay thì người lao động không thể sống được; trong khi đó thực tế các doanh nghiệp vẫn đang trả mức lương cao hơn nhiều so mức lương theo quy định. Hầu hết cuộc sống của công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn rất chật vật vì phần lớn là lao động ngoại tỉnh. Phải đến tận những nơi mà công nhân thường đi chợ mỗi khi tan ca với giá thực phẩm rất rẻ, khó đảm bảo an toàn vệ sinh, hay những khu nhà trọ lợp mái fibro xi măng tạm bợ trong những ngày nắng nóng mới hiểu được chất lượng sống của họ còn rất thấp, chưa kể đến chuyện cho con cái đi học, sinh hoạt văn hóa...

Theo đó, rất cần sự khảo sát đời sống của người lao động, việc này phải giao cho một đơn vị phụ trách để có thể xác định mức sống tối thiểu của người lao động, đưa ra phương án tăng lương tối thiểu cho phù hợp.

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Thu nhập của công nhân rất thấp, không đảm bảo cuộc sống dẫn đến họ có nhu cầu làm thêm giờ. Thậm chí, trong các khu công nghiệp còn có tình trạng công nhân đang làm việc bị đột quỵ, đây là tình trạng do làm việc quá sức và chế độ dinh dưỡng, cuộc sống không đảm bảo".

"Với mức như hiện nay, lương tối thiểu nên tăng khoảng 7- 8% là phù hợp với người lao động và cả doanh nghiệp. Phải dựa vào tăng trưởng GDP hiện nay và chỉ số CPI, với mức trượt giá là 4% như hiện nay, phải có mức tăng phải đảm bảo bù lại được chi phí đó", ông Nguyễn Thành Đô để xuất.

 

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng bao nhiêu?
Tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng bao nhiêu?

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa họp phiên đầu tiên để các bên đưa ra đề xuất mức lương tối thiểu vùng 2020. Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) đề xuất tăng lương từ 7 - 8% mới đáp ứng mức sống tối thiểu; trong khi đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ban đầu đề xuất không tăng và cuối cùng đưa ra phương án tăng dưới 3%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN