Đội lân 'tóc dài' ở Vĩnh Long

Hơn 12 năm qua, tại ấp Quới Hiệp, xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, có một đội múa lân luôn tích cực hoạt động với tiêu chí phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân và hết lòng chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Họ là đội lân nữ U50 ấp Quới Hiệp với 20 thành viên là những người phụ nữ đã bước qua tuổi 50.

Chú thích ảnh
Đội lân nữ, ấp Quới Hiệp, xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long biểu diễn phục vụ tại trường mầm non. 

Đến với múa lân bằng niềm đam mê cùng tinh thần hết lòng vì cộng đồng, những người phụ nữ quanh năm gắn bó với ruộng đồng đã không ngại khó khăn, tự mày mò học hỏi, nâng cao kỹ năng biểu diễn phục vụ người dân trong mỗi dịp Lễ, Tết hay đám, tiệc.

Bà nội, bà ngoại múa lân

Bà Lê Thị Hằng (60 tuổi), Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Quới Hiệp– Đội trưởng đội múa lân là người khởi xướng các hoạt động của đội. Xuất phát từ truyền thống gia đình gắn bó với nghề lân, đạo tỳ… nên từ nhỏ bà Hằng đã đam mê và có năng khiếu ở bộ môn này. Khi tham gia hoạt động chi hội phụ nữ ấp, nhận thấy phụ nữ địa phương ít tham gia hoạt động nên bà muốn phát động phong trào để mọi người cùng tham gia.

Từ một vài thành viên ban đầu, đội lân nữ nhanh chóng được sự hưởng ứng, ngày càng thu hút nhiều thành viên tham gia. Dù tất cả thành viên đều là nữ, không có chuyên môn, kỹ thuật, tuy nhiên bằng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm xã hội, các thành viên của đội đã hỗ trợ nhau để cùng tiến bộ. Với mô hình đội múa lân nữ, các thành viên trong đội đã thống nhất mục tiêu là hoạt động trên tinh thần tự nguyện, cùng góp công, góp sức biểu diễn có thu nhập để đóng góp thực hiện an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Đội lân nữ, ấp Quới Hiệp, xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long giao lưu với các trẻ em ở trường mầm non.

Tham gia đội lân nữ, hầu hết các thành viên đều ở tuổi làm bà nội, bà ngoại. Người lớn tuổi nhất năm nay cũng đã hơn 70 tuổi. Tuổi cao, đôi lúc gặp trở ngại về sức khỏe, về hoàn cảnh gia đình, nhưng khi nghe trong đội xếp lịch đi diễn thì mọi người lại tranh thủ có mặt để cùng tham gia. Người còn sức khỏe thì múa lân, làm ông địa, tề thiên, đánh trống; người lo trang phục, đạo cụ; người không múa được thì làm “cố vấn”, mạnh thường quân chăm lo cho đội… Mỗi người một việc, họ đã cùng nhau duy trì và lan tỏa hoạt động của đội trong suốt hơn 12 năm qua.

Theo chân đội lân đi biểu diễn mới cảm nhận hết sự vất vả của đội lân. Có những lúc đường đi thuận tiện, mọi người di chuyển bằng xe ba gác; khi khó khăn hơn, các dì, các cô lại chở nhau trên những chiếc xe máy. Dù có phần vất vả so với tuổi tác, thế nhưng khi tiếng còi hiệu cất lên, mỗi người đều vào vị trí, sẵn sàng hết mình cho tiết mục.

Trong chiếc đầu lân nặng nề, bà Lê Thị Hằng thực hiện các động tác thật dễ dàng và thuần thục. Hóa thân thành nhân vật Tề thiên, bà Nguyễn Thị Kim Anh (62 tuổi) trở thành “cây hài” của đội khi có nhiều màn pha trò thật độc đáo, khiến cho những em nhỏ ồ lên thích thú, còn người lớn cũng phải thán phục. Còn “ông địa” Đỗ Hồng Ca (64 tuổi) có vẻ nhẹ nhàng, từ tốn hơn, nhưng lại rất gần gũi.   

Chú thích ảnh
Các thành viên Đội lân nữ, ấp Quới Hiệp, xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đến thăm và hỗ trợ cho người cao tuổi, neo đơn.

Bà Đỗ Hồng Ca cho biết, những ngày mới vào đội rất khó khăn vì hầu như đều là dân “tay ngang” không biết gì về múa lân; việc đi lại bằng xe đạp rất bất tiện. Tuy nhiên, với niềm đam mê, các thành viên đã tự hỗ trợ nhau tập luyện rồi thuần thục từ lúc nào không hay. Giờ đây, hễ nghe tiếng trống múa lân, ai cũng nôn nao, không thể ngồi yên ở nhà được.

Theo bà Lê Thị Hằng, phụ nữ đến với múa lân đã khó, phụ nữ ở tuổi xế chiều lại càng khó hơn. Tuổi tác, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình đôi lúc ảnh hưởng đến các thành viên, tuy nhiên họ luôn cố gắng sắp xếp, người này hỗ trợ người kia giúp cho đội lân luôn hoạt động ổn định. Bà Hằng tâm sự: “Phụ nữ đi múa lân cũng có những lúc cười ra nước mắt. Có người nói ra, nói vào hoặc đùa cợt; những lúc ấy, chị em động viên nhau để khéo léo xử lý và tiếp tục màn trình diễn. Với các thành viên trong đội, đi biểu diễn được bà con ủng hộ và vỗ tay nồng nhiệt chính là thù lao lớn nhất cho chúng tôi”.

Thường xuyên theo dõi hoạt động của đội lân, ông Võ Thanh Phong, xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm, chia sẻ: Người dân ở đây rất tự hào về đội lân nữ này. Các cô không có thầy mà vẫn làm nên. Ở đây, mỗi dịp Lễ, Tết, bà con cũng hay gọi các cô đến góp vui. Không chỉ có bản lĩnh, mà đội lân nữ còn có tấm lòng nhiệt huyết vì an sinh xã hội, phục vụ cho nhân dân.

Sẻ chia với người nghèo

Chú thích ảnh
Các thành viên Đội lân nữ, ấp Quới Hiệp, xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long cùng tham gia mô hình căn nhà rác thải nhựa, gây quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo. 

Đến với múa lân bằng đam mê, tuy nhiên mục đích chính của đội lân nữ ấp Quới Hiệp không chỉ phục vụ về mặt tinh thần cho người dân, mà còn để có thêm nguồn thu nhập, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người bệnh tật.

Với vai trò là Chi hội trưởng, bà Lê Thị Hằng thường xuyên “nghe ngóng” tìm những hoàn cảnh khó khăn để đến thăm và hỗ trợ. Ngoài ra, đội cũng thường xuyên tổ chức các buổi trao quà từ thiện giúp đỡ các hộ dân khó khăn. Đến với từng hoàn cảnh, thấy trong xã hội còn nhiều mảnh đời bất hạnh càng thôi thúc các thành viên của đội tiếp tục hành trình thiện nguyện của mình, vừa mang lại món ăn tinh thần, vừa có kinh phí hỗ trợ người khó khăn trong những lúc cần thiết. 

Bà Lê Thị Hằng cho biết, đội lân nữ hoạt động trên tinh thần thiện nguyện là chính, nên mọi chi phí đi lại, đạo cụ… các thành viên đều tự đóng góp. Khi đi biểu diễn tại các trường học, đơn vị trong các dịp lễ thì đội phục vụ miễn phí, nơi nào “lì xì” hoặc biểu diễn dịp Tết có thu phí thì đội gom góp vào quỹ để tương trợ người nghèo, khó khăn trên địa bàn.     

Chú thích ảnh
Gian hàng quần áo 0 đồng của Đội lân nữ, ấp Quới Hiệp, xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. 

Bên cạnh việc đóng góp công sức, kinh phí để duy trì hoạt động của đội lân, giúp đỡ người nghèo, đội lân nữ ấp Quới Hiệp cũng vận động nhau lập nên gian hàng quần áo không đồng và căn nhà rác thải nhựa để có thêm mô hình thu hút người dân địa phương cùng tham gia. Qua các hoạt động đã tăng nguồn hỗ trợ, giúp đỡ những người còn khó khăn, thiếu thốn. Những việc làm tuy nhỏ nhưng thể hiện tấm lòng đáng trân quý của những người phụ nữ ở vùng quê này.         
   
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Thành Tây Nguyễn Thị Hoàng Thắm chia sẻ, Chi hội Phụ nữ ấp Quới Hiệp là đơn vị đầu tiên của xã thành lập đội lân nữ và tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Dù đã thành lập hơn 12 năm nhưng những thành viên trong đội luôn giữ vững nhiệt huyết như ngày đầu mới thành lập. Hoạt động của chi hội đã được người dân địa phương đồng tình, hưởng ứng, vừa góp phần giữ vững phong trào văn hóa ở địa phương, vừa lan tỏa những nghĩa cử bình dị nhưng cao đẹp, cùng sẻ chia với những hoàn cảnh còn khó khăn, thiếu thốn.

Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ xã tiếp tục đồng hành, hỗ trợ đội múa lân nữ ấp Quới Hiệp, đồng thời vận động, tuyên truyền để các hội viên phụ nữ cùng tích cực tham gia, học hỏi kinh nghiệm để tiếp nối việc làm ý nghĩa của thế hệ đi trước.

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Múa lân - nét văn hóa đặc sắc dịp Tết
Múa lân - nét văn hóa đặc sắc dịp Tết

Đã từ lâu, múa lân là hoạt động nghệ thuật không thể thiếu mỗi dịp Tết đến. Theo quan niệm dân gian, hình ảnh của lân tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc, mang đến điềm lành trong năm mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN