Thông tin về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, Vụ Pháp chế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, từ ngày 12/12/2022 đến ngày 14/12/2023, ngành bảo hiểm xã hội đã ban hành, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt trên 1.700 trường hợp với tổng tiền phạt trên 67,7 tỷ đồng. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã thi hành là hơn 18,6 tỷ đồng. Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã thi hành xong 836 quyết định (bằng 47,36% tổng số quyết định xử phạt phải thi hành).
Nhiều hành vi vi phạm đã kịp thời được phát hiện, song đơn vị này nhận định vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong khâu xử lý.
Nguyên nhân được đơn vị này chỉ ra do một số quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế chưa cụ thể, dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau.
Cụ thể, khoản 5 điều 39 nghị định 12/2022 của Chính phủ nêu "phạt tiền 12-15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động...".
Như vậy, nếu doanh nghiệp đóng đủ 100% số tiền chậm đóng trước khi bị thanh tra trực tiếp thì rất khó xác định số tiền phạt.
Bên cạnh đó, theo quy định, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản thu nhập bổ sung khác. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định mức trần đối với các khoản chế độ hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ... dẫn đến đơn vị sử dụng lao động cố tình chia nhỏ quỹ lương, đẩy thu nhập vào các khoản nêu trên để trốn đóng, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người lao động. Khi phát hiện, cơ quan BHXH không có đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn chứng minh hành vi vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính và kiến nghị khởi tố do sự thiếu đồng bộ tại các văn bản quy phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT về mức đóng, mức lương, phụ cấp lương, các khoản thưởng.
Việc này khiến cơ quan bảo hiểm xã hội không đủ căn cứ pháp lý, thực tiễn chứng minh hành vi vi phạm hay kiến nghị khởi tố vi phạm.
Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chỉ có thể xác định doanh nghiệp đóng không đúng mức, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, chứ không xác định được là trốn đóng hay không.
Vụ Pháp chế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể về xử lý vi phạm hành chính đối với các đơn vị có hành vi trốn đóng và chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế song đã khắc phục tiền chậm đóng trước thời điểm bị thanh tra trực tiếp.