Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh, vào 21 giờ 30 phút ngày 23/1, khoảng 80 xe rác ùn ứ, xếp hàng nối đuôi hơn 1,5km trên đoạn đường từ đầu Quốc lộ 50 vào Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Trong khi đó, cổng vào Khu xử lý lại đóng chặt, không cho các xe vào đổ rác như thường lệ.
Đại diện chủ đầu tư bãi rác Đa Phước là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải Việt Nam (Công ty VWS) xác nhận về việc ùn ứ rác thải vừa diễn ra và cho biết, nguyên nhân là do thời điểm đó nhiều công nhân đang đến văn phòng làm việc với lãnh đạo công ty, khiến các khâu tiếp nhận bị đình trệ, dẫn tới ùn ứ kéo dài trên đường vào. Hiện, Công ty VWS đang tích cực làm việc với người lao động, cơ quan chức năng và các bên liên quan để xử lý dứt điểm vấn đề.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau khi nắm được việc đình trệ tiếp nhận rác và ùn ứ xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, Sở đã điều phối xe để chuyển lượng rác trên qua Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) để xử lý ngay trong đêm, không để tiếp diễn tình trạng ùn ứ. Thông qua sự phối hợp của các sở, ngành, tình trạng ùn ứ trên đường vào Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đã được xử lý, hoạt động tiếp nhận đã diễn ra bình thường và ổn định.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng ùn ứ, tồn đọng rác gây mất vệ sinh môi trường (đặc biệt trong những ngày cao điểm, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ), toàn ngành Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý tập trung phương tiện, nguồn lực để tăng cường công tác tuần tra, giám sát, kịp thời phát hiện các địa điểm phát sinh tình trạng ùn ứ để hỗ trợ phân luồng, điều phối hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo các lộ trình dự phòng về các khu xử lý rác của Thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hằng năm, trong các dịp cao điểm lễ, Tết, công tác vệ sinh công cộng là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thiết phải được thực hiện. Năm nay, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố, cho phép toàn ngành vệ sinh làm việc cả ngày lẫn đêm và các xe chuyên dụng lưu thông trong thời gian cao điểm từ ngày 26/1 đến hết 2/2 (từ ngày 27 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết); trong đó, lưu ý dọn vệ sinh Đường hoa Nguyễn Huệ và các nơi tổ chức lễ hội pháo hoa vào ngày Giao thừa. Các xe chuyên dụng phải đảm bảo vệ sinh, không để rơi vãi chất thải và nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường khi thu gom, vận chuyển.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch phối hợp với các đơn vị có liên quan về thực hiện công tác vệ sinh công cộng, phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; trong đó tập trung tăng cường công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng trên toàn Thành phố trong các giờ cao điểm từ 26/1 đến hết ngày 2/2 (từ ngày 27 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết); sắp xếp, bố trí đủ số lượng nhân sự, phương tiện chuyên dụng và trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động phù hợp cho công nhân để giải quyết kịp thời khối lượng rác phát sinh tăng đột biến trong thời gian cao điểm Tết, đặc biệt là các địa điểm tổ chức Hội hoa Xuân Thành phố, các chợ hoa Tết, đường hoa Nguyễn Huệ, các điểm bắn pháo hoa, hội chợ...
Đối với các khu xử lý chất thải của Thành phố, Sở yêu cầu tăng cường tiếp nhận, xử lý khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán, tăng cao hơn so với ngày thường; tăng cường tần suất phun xịt chế phẩm khử mùi, khống chế hiệu quả mùi hôi phát sinh từ quá trình vận chuyển và tiếp nhận, xử lý rác; tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về xả rác sai quy định; rà soát hoạt động thu gom rác tại nguồn, có giải pháp điều phối khối lượng, điều tiết thời gian về các điểm hẹn, trạm trung chuyển phù hợp trên địa bàn quản lý; hướng dẫn, điều chỉnh thời gian chuyển giao và thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp, đảm bảo kết nối giữa công tác thu gom tại nguồn với công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của các đơn vị cung ứng dịch vụ.