Điểm tựa của học sinh, sinh viên nghèo

Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) đã trở thành điểm tựa vững chắc của hàng vạn HSSV nghèo trên địa bàn Phú Thọ. Chương trình mang ý nghĩa nhân văn, giúp nhiều gia đình giảm bớt khó khăn để tiếp tục cho con đến trường, thực hiện ước mơ lập thân, lập nghiệp.


Chắp cánh ước mơ


Chương trình tín dụng HSSV đã "chắp cánh" cho hàng vạn HSSV theo đuổi ước mơ học tập. Đây là chương trình tín dụng lớn mà Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Phú Thọ đã và đang ủy thác qua các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương mang lại cơ hội học tập cho HSSV nghèo ở khắp các vùng trong tỉnh.


Nhờ nguồn vốn vay chương trình HSSV mà nhiều gia đình đã giúp con em thực hiện được ước mơ bước chân vào giảng đường đại học.
Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Là xã thuần nông, nhưng Xuân Huy huyện Lâm Thao được biết đến là "làng dòng, đất học". Mỗi năm, xã có hàng trăm học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Theo thống kê, xã hiện có hơn 200 hộ với gần 300 HSSV được hỗ trợ vay vốn tín dụng HSSV với tổng dư nợ gần 5 tỷ đồng. Gia đình ông Nguyễn Phong Hải và bà Lê Thị Minh Thư ở khu 2 là một ví dụ. Với nghề thợ xây, ông Hải đi khắp nơi để làm thuê, còn bà Thư ở nhà chăm sóc năm sào ruộng, cuộc sống vẫn bữa no, bữa đói. Song phần thưởng lớn nhất mà ông bà nhận được là ba người con (hai gái, một trai) đều thi đỗ vào đại học. Khi cô con gái đầu vào đại học, ông Hải rất trăn trở vì không biết lấy tiền đâu cho con ăn học mặc dù đã tìm đủ cách. Từ khi có chương trình tín dụng HSSV, gia đình ông Hải như "bắt được vàng".

Hiện nay, không chỉ con gái đầu vay vốn mà cả hai người con sau của ông bà cũng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi này. Ông Hải cho biết: “Hiện gia đình tôi đang vay NHCSXH tổng cộng 70 triệu đồng. Nếu không có nguồn vốn này thì có nằm mơ gia đình cũng không dám cho con theo học. Hiện nay, hai người con lớn của gia đình đã ra trường. Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng gia đình luôn ý thức và cố gắng thu xếp trả dần nợ cho ngân hàng”.

Khó khăn triển khai cho vay vốn tại Phú Thọ

Hiện nay, một số địa phương ở Phú Thọ vẫn chưa thực hiện tốt việc lập danh sách các hộ thuộc đối tượng vay vốn, chưa quán triệt đầy đủ ý nghĩa của chương trình tín dụng này. Việc thời gian tuyển dụng của các trường, các cơ sở đào tạo không cùng nhau, trong khi một số trường, trung tâm dạy nghề chỉ làm nhiệm vụ liên kết không được cấp bằng đã ảnh hưởng đến công tác cho vay và cập nhật thông tin báo cáo. Công tác kiểm tra giám sát của các cấp, các ngành, nhất là các tổ chức chính trị xã hội làm nhiệm vụ ủy thác còn ít, chưa thường xuyên dẫn đến việc kiểm tra, đánh giá còn hạn chế. Mặt khác, NHCSXH chi nhánh tỉnh và các địa phương nhân lực ít, phương tiện hạn chế, trong khi địa bàn rộng, khối lượng công việc nhiều gây khó khăn trong quá trình triển khai chương trình này.


Cùng chung hoàn cảnh với gia đình ông Hải, gia đình chị Hà Thị Bình ở khu 7, xã Võ Lao, huyện Thanh Ba cũng lúng túng khi người con trai đầu thi đỗ Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ nghệ thực hành Phú Thọ. Trước mức chi phí đắt đỏ tại thành phố, gia đình rất băn khoăn khi quyết định cho con đi học. Trong lúc khó khăn nhất, được hướng dẫn thông qua các tổ chức hội, đoàn thể về chính sách vay vốn cho HSSV của NHCSXH, chị Bình đã vay nguồn vốn này để giúp con toại nguyện “sự nghiệp đèn sách”.

Chị Bình cho biết: “Gia đình tôi như bớt được gánh nặng luôn đeo bám hằng ngày. Vì vậy, gia đình luôn chấp hành đầy đủ các quy định của nhà nước, trả lãi đầy đủ. Sau này cháu ra trường, gia đình cố gắng hoàn trả vốn vay. Tín dụng HSSV không chỉ có ý nghĩa riêng với gia đình tôi mà còn nhiều hộ khác trên địa bàn”.


Trên đây chỉ là hai trong số hàng vạn hộ có con em được vay vốn NHCSXH để theo đuổi ước mơ học đường. Thông qua hệ thống NHCSXH, nguồn vốn của Nhà nước đã và đang được truyền tải đến với các gia đình khó khăn có con em theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.


Nguồn vốn đang phát huy hiệu quả


Thực hiện chương trình tín dụng HSSV, ngay từ những ngày đầu triển khai, tỉnh Phú Thọ đã thành lập ban đại diện các cấp do Phó chủ tịch UBND làm trưởng ban và bốn tổ chức đoàn thể là hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, đoàn thanh niên nhận ủy thác. Quá trình cho vay được triển khai chặt chẽ, bài bản và chỉ cho vay theo từng học kỳ. Vì vậy, nguồn vốn tín dụng ngày càng phát huy hiệu quả, thực sự là "bà đỡ" cho HSSV. Để nguồn vốn ngày càng phát huy hiệu quả, trong thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, ngân hàng, địa phương và các tổ chức đoàn thể. Thông qua đó giúp ngân hàng nắm bắt con số HSSV được vay ở mỗi trường, mỗi địa phương và việc sử dụng vốn có đúng mục đích hay không, công tác thu hồi nợ sau khi HSSV ra trường như thế nào. Mặt khác, ban đại diện các cấp còn thực hiện tốt việc công khai, dân chủ từ cơ sở trong thực hiện tín dụng đối với HSSV, tạo kênh dẫn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế thấp nhất các tiêu cực có thể xảy ra.

“Trong năm 2013, UBND tỉnh chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH cho hơn 30.000 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm, HSSV, xuất khẩu lao động, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, thương nhân vùng khó khăn, vay vốn khoảng 323 tỷ đồng". Ông Võ Ðại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận


Theo số liệu thống kê, qua hơn bốn năm thực hiện chương trình tín dụng cho HSSV, đến nay toàn tỉnh Phú Thọ có trên 44.500 hộ với 53.300 HSSV được vay vốn, dư nợ đạt trên 800 tỷ đồng. Tỷ lệ HSSV theo học các trường đại học chiếm 41%, cao đẳng chiếm 35%, THCN, trường đào tạo nghề chiếm 24%; tỷ lệ hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn tín dụng HSSV chiếm 21%, hộ cận nghèo chiếm 53% và hộ khó khăn chiếm 26%.


Ông Nguyễn Hồng Thao - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Thọ cho biết, thủ tục vay được tiến hành đơn giản, các hộ chỉ cần có giấy báo nhập học (với con em đi học năm đầu); đối tượng đã học thì mỗi năm lấy giấy chứng nhận của nhà trường kèm hồ sơ vay vốn là đủ. Chương trình một mặt giúp đào tạo lượng lớn nguồn nhân lực phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; mặt khác giúp cho một bộ phận nhân dân thu nhập thấp nhận được hưởng thụ bình đẳng về giáo dục và đào tạo, có công ăn việc làm, từng bước thoát nghèo. Ngoài ra, các phòng giao dịch trên địa bàn triển khai tốt công tác cho vay và thu hồi vốn khi đến hạn không để xảy ra trường hợp nợ xấu, nợ quá hạn.

 

“Đặc biệt, chúng tôi luôn coi trọng công tác tuyên truyền ngay tại điểm giao dịch, công khai thông tin về khách hàng, thường xuyên thông báo cho người dân biết trước thời hạn các khoản nợ phải trả để họ có thời gian chuẩn bị và trả nợ đúng hạn; chủ động phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, lao động thương binh và xã hội cùng chính quyền, đoàn thể các địa phương tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc xác nhận gia đình HSSV thuộc đối tượng vay vốn, kịp thời thống kê số lượng HSSV có nhu cầu vay vốn để xét duyệt, bổ sung kế hoạch cho vay. Đối với những trường hợp sai phạm, cho vay không đúng đối tượng theo quy định, sử dụng vốn sai mục đích khi bị phát hiện sẽ có biện pháp xử lý, thu hồi kịp thời. Do nguồn vốn vay phù hợp với lãi suất thấp nên việc thu hồi vốn cũng đạt hiệu quả. Mặc dù chưa đến kỳ trả gốc nhưng đã có nhiều gia đình đã tiến hành trả vốn vay”, ông Nguyễn Hồng Thao cho biết thêm.



Ngọc Long


Nhờ vay vốn, con tôi được tiếp tục học hành

Nhờ có nguồn vốn vay Chương trình HSSV mà các con chị đã được thực hiện ước mơ của mình trên giảng đường đại học. Vợ chồng tôi có 2 cháu gái, cháu đầu sinh năm 1991, cháu thứ hai sinh năm 1993; các cháu đều đỗ vào đại học. Tuy nhiên, do nguồn thu nhập của gia đình rất thấp, thậm chí không đủ chi tiêu và nuôi hai con ăn học, gia đình tôi tưởng sẽ không thể cho con học tiếp, mà thay vào đó phải để con đi làm thuê, học nghề kiếm sống, nhưng nhờ được sự quan tâm động viên, tạo điều kiện của Hội Nông dân xã đã cho tôi được vay 20 triệu đồng từ Chương trình tín dụng HSSV của NHCSXH; nhờ đó, tôi đã có điều kiện để cho con tiếp tục theo học. Hiện, cháu lớn đã chuẩn bị tốt nghiệp Học viện Tài chính, cháu thứ hai đang học năm thứ hai ở Học viện Y học Cổ truyền”.

Bà Phạm Thị Hương Lan, xã Nam Cường, thành phố Yên Bái (Yên Bái)

Tích cực hỗ trợ các gia đình nghèo

Bắc Hà có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, một trong những nguyên nhân là thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Với cơ chế tạo thuận lợi, thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi, trong những năm qua, nguồn vốn cho vay ưu đãi đã được ngân hàng giải ngân kịp thời đến hộ nghèo. Nguồn vốn này đã tích cực hỗ trợ các gia đình nghèo khắc phục khó khăn, từng bước ổn định đời sống. Một trong những “mắt xích” quan trọng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ ủy thác là thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn.

Tổ tiết kiệm vay vốn cũng là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, tăng tính tương trợ giữa khách hàng với khách hàng, giữa khách hàng và ngân hàng. Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, NHCSXH Bắc Hà đã bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện; phối hợp với các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng của huyện, các tổ chức đoàn thể địa phương trong lồng ghép chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn cách sản xuất, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao vào sản xuất. Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi là tạo cơ hội cho 5.288 hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, cũng nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Bắc Hà hằng năm giảm 5% - 7%.

Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc NHCSXH huyện Bắc Hà (Lào Cai)


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN