Di dời khu công nghiệp 'đầu độc' sông Đồng Nai

Ngày 8/7, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã khảo sát thực tế và làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về việc di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc di dời Khu công nghiệp Biên Hoà là tất yếu. Vấn đề là thực hiện việc di dời như thế nào để vừa hài hoà lợi ích doanh nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích của cộng đồng. Hiện Khu công nghiệp này là nơi phát thải nguồn nước thải gây ô nhiễm cho sông Đồng Nai, dòng sông mà 20 triệu dân sống ở hạ lưu đang sử dụng để sinh hoạt.

Một góc Khu công nghiệp Đồng Nai. Ảnh: baodongnai.com.vn


Việc Khu công nghiệp này gây ô nhiễm sông Đồng Nai không những gây hại đến tỉnh Đồng Nai mà còn làm ảnh hưởng cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chủ trương di dời Khu công nghiệp Biên Hoà 1 ra khỏi khu vực trên và chuyển đổi công năng khu vực này thành trung tâm thương mại dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã được Thủ tướng Chính phủ và hầu hết các bộ, ngành Trung ương chấp thuận.

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường, hiện nay mức độ ô nhiễm sông Đồng Nai đang ở mức báo động đỏ. Trong đó, nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho dòng sông này. Trong đề án gửi Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đồng Nai cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn nước sông Đồng Nai đoạn qua khu vực trên bị ô nhiễm nặng là do nước thải của Khu công nghiệp Biên Hoà 1.

Tại buổi làm việc, đại diện của nhiều bộ, ngành cho rằng việc di dời cả Khu công nghiệp Biên Hoà 1 là rất khó khăn. Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình hình suy thoái, sản xuất kinh doanh khó khăn, việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn chế. Do đó trong thời điểm này, để hơn 100 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hoà 1 di dời đến một địa điểm mới sẽ kéo theo hàng loạt những vấn đề khác.

Chủ trương di dời Khu công nghiệp Biên Hoà 1 là một chủ trương lớn của tỉnh Đồng Nai và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc thực hiện chủ trương này cần có sự chung tay của các bộ, ngành và cả hệ thống chính trị. Bà Đỗ Minh Trân (Bộ Công thương) cho rằng cần phải có một chính sách phù hợp cho lộ trình di dời Khu công nghiệp trên, trong đó chủ đầu tư cần dành những quỹ đất nhất định để xây dựng khu lưu trú cho công nhân.


Tỉnh Đồng Nai cho biết, mục tiêu chính của việc chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hoà 1 là góp phần giải quyết triệt để việc gây ô nhiễm cho nguồn nước của sông Đồng Nai. Phần lớn các nhà máy trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được xây dựng từ trước năm 1975 nên công nghệ lạc hậu và không xử lý triệt để nguồn nước thải trước khi thải ra sông Đồng Nai.

Chỉ có 1.100m3 nước thải của các doanh nghiệp được đấu nối qua Khu công nghiệp Biên Hòa 2 để xử lý, trong khi có đến 7.900m3 nước thải do doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Số lượng nước thải mà doanh nghiệp tự xử lý đều không đạt tiêu chuẩn.


Sỹ Tuyên
Sông Đồng Nai 'chết' - Vùng kinh tế trọng điểm cũng không còn
Sông Đồng Nai 'chết' - Vùng kinh tế trọng điểm cũng không còn

Nhiều kết quả nghiên cứu chất lượng nước sông Đồng Nai thời gian gần đây cho thấy, tình trạng ô nhiễm của đoạn sông ngày càng tăng, đe dọa nghiêm trọng đến khả năng cấp nước phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN