Chủ trì Hội thảo có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam Hervé Conan và Trưởng đại diện Bộ phận Hợp tác Liên minh châu Âu Kristina Buende. Tham dự có hơn 20 chuyên gia trong nước và quốc tế cùng cộng đồng du lịch Hội An.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nêu rõ, những năm gần đây, tình hình sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn ra rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, các công trình hạ tầng kỹ thuật và khu du lịch; ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống của nhân dân trong khu vực.
Tại thành phố Hội An, trước tình hình cấp thiết về bảo vệ bờ biển khỏi nguy cơ xâm thực ngày càng sâu vào đất liền, Quảng Nam đã có nhiều giải pháp, công trình khắc phục tình trạng xói lở, bước đầu đã phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, nên địa phương mới chỉ thực hiện giải pháp công trình được khoảng 1,7 km trên tổng số hơn 6 km bờ biển cần được bảo vệ trước nguy cơ xâm thực ngày càng nặng hơn. Các công trình bảo vệ bờ biển Hội An trong thời gian qua phần lớn mang tính tự phát, riêng lẻ và manh mún nên chưa hiệu quả và thiếu bền vững. Vấn đề cấp thiết đặt ra là cần có một chiến lược bảo vệ tổng hợp cùng cách thức quản lý vùng bờ phù hợp, hiệu quả.
Ông Denis Vasseur, Trưởng nhóm Dự án tại Cơ quan Phát triển Pháp chia sẻ, nhằm ứng phó với những tác động của xói lở và phục hồi bãi biển, các biện pháp công trình và phi công trình, cách tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ, xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý tổng hợp bờ biển giúp giải quyết được nguyên nhân gốc rễ tình trạng mất cân bằng dòng vận chuyển bùn cát ven bờ. Từ đó, nâng cao được khả năng phục hồi tổng thể của toàn bộ dải bờ biển. Đây chính là nội dung chính được các chuyên gia tập trung thảo luận tại Hội thảo và đề xuất các giải pháp khả thi trong Chiến lược quản lý bền vững bờ biển Hội An.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Đại học Thủy lợi nhấn mạnh, Hội An là thành phố du lịch có bề dày lịch sử, nằm ở phía hạ lưu của sông Vũ Gia - Thu Bồn thuộc khu vực Bờ biển Trung Bộ, một trong 13 lưu vực sông lớn nhất của Việt Nam. Trong vòng mười năm qua, vùng ven biển của thành phố Hội An (bãi biển Cửa Đại) đã bị xói lở bờ biển nghiêm trọng, gây thiệt hại và tổn thất tài chính lớn cho địa phương nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Điều này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiềm năng du lịch và kinh tế của Hội An - một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Mặc dù đã có các biện pháp công trình khẩn cấp để ngăn chặn sạt lở, xói lở ở một số phần quan trọng của bờ biển Cửa Đại, nhưng địa phương rất cần có một chiến lược bảo vệ tổng hợp theo các phương pháp quản lý khu vực ven biển tốt nhất, đảm bảo bảo vệ hiệu quả và bền vững lâu dài. Do đó, để quản lý bền vững bờ biển Hội An, cần phải có các giải pháp toàn diện để ngăn chặn xói lở, sạt lở; triển khai đồng thời các biện pháp công trình (kè chắn sóng, mỏ hàn và nuôi bãi) và phi công trình (Kế hoạch quản lý khu vực ven biển), nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ sạt lở ven biển và biến đổi khí hậu.
Ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam kỳ vọng, qua Hội thảo, các bên liên quan sẽ nắm bắt được các kết quả nghiên cứu của đơn vị tư vấn, các chuyên gia cũng như các khuyến nghị về công tác chống xói lở bờ biển Hội An. Từ đó, cùng với tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An hướng tới cách tiếp cận mới trong ứng phó với biến đổi khí hậu để khắc phục tình trạng xói lở bờ biển, khôi phục lại bãi biển và quản lý bền vững bờ biển Hội An.