Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa chia sẻ, trẻ em nói chung, trẻ em là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin nói riêng là những đối tượng rất cần nhận được sự quan tâm đặc biệt. Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành tình cảm, sự quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói chung và nạn nhân là trẻ em nói riêng, dù vậy, vẫn không thể chia sẻ hết được với những nỗi đau mà các nạn nhân và gia đình đang phải chịu đựng. Hội thảo "Chăm sóc sức khỏe trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin" được tổ chức nhằm tìm giải pháp, góp thêm tiếng nói, hành động cụ thể để chăm sóc tốt hơn cho nhóm đối tượng này.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng chia sẻ, trao đổi về các chính sách liên quan đến trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; công tác chăm sóc, hỗ trợ cho nhóm đối tượng này tại các địa phương; đưa ra khuyến nghị, giải pháp nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thời gian tới, góp phần thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.
Theo Đại tá Nguyễn Bá Bồng, Trưởng Ban Tổ chức - Chính sách Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ở nước ta, chất độc da cam đã di truyền sang thế hệ thứ 4. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2 (con); 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 (cháu); 6.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4 (chắt). 136.000 hộ gia đình có 1-2 nạn nhân; gần 7.000 gia đình có 3 nạn nhân và hơn 1.200 gia đình có 4 nạn nhân trở lên.
Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng/năm để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho các nạn nhân, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.
Chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ngày càng có nhiều tiến bộ nhưng để hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân chất độc da cam nói chung, nạn nhân là trẻ em nói riêng cần xây dựng tiêu chí nạn nhân chất độc da cam (hiện mới chỉ có tiêu chí với đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng); có kinh phí điều tra, khảo sát số lượng nạn nhân, mức độ thế nào để có sự trợ giúp. Về chính sách trợ cấp bảo trợ xã hội, cần luôn xem xét nạn nhân chất độc da cam, nhất là trẻ em liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam là nhóm bảo trợ xã hội đặc thù, có mức hưởng cao hơn và được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn tại các cơ sở bảo trợ xã hội…, Đại tá Nguyễn Bá Bồng kiến nghị.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thúy Hoàn, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình kiến nghị, các cấp, ngành chức năng cần nghiên cứu, quy định rõ hơn nữa về nhóm là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3,4; nâng mức hưởng cho các nạn nhân này. Thực tế hiện nay cho thấy, các gia đình có đến 2,3,4 thế hệ là nạn nhân đều là những gia đình khó khăn nhất trong các gia đình khó khăn. Do vậy, việc nâng mức trợ cấp vừa giúp họ đảm bảo duy trì cuộc sống, vừa thể hiện sự tri ân đối với các đóng góp của gia đình với đất nước.
Bà Nguyễn Thúy Hoàn kiến nghị Nhà nước có các cơ sở chăm sóc riêng cho các nạn nhân thế hệ thứ 3, 4. Thực tế từ trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng của tỉnh Hội Thái Bình cho thấy, nhiều gia đình và trẻ em muốn được đến trung tâm chăm sóc, làm nghề…, có những trẻ về đến gia đình là quậy phá, song đến trung tâm rất tự lập, chăm chỉ. Hơn nữa, các cháu được giao lưu với bạn bè, có chút thu nhập do chính tay làm ra, rất phấn khởi. Chính việc làm hàng ngày cũng là một phương pháp phục hồi chức năng rất hữu hiệu.
Theo bà Trịnh Thị Thanh Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bến Tre, địa phương có trên 14.000 người bị nhiễm chất độc da cam, trong đó có hàng ngàn trẻ em. Nhưng người được hưởng chính sách nạn nhân chất độc da cam rất ít, chỉ có 2.246 người và không có trẻ em. Phần lớn nạn nhân chất độc da cam là trẻ em bị dị tật, dị dạng, bại não, động kinh, tâm thần, mắc nhiều bệnh tật hiểm nghèo nhưng chỉ được hưởng chính sách bảo trợ xã hội cho người khuyết tật. Đây là vấn đề thiệt thòi lớn cho các em và cũng là khoảng trống pháp lý cho cơ sở số liệu để đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân và thực hiện việc khắc phục hậu quả chất độc da cam".
Bà Trịnh Thị Thanh Bình kiến nghị cần có chính sách cho nạn nhân da cam qua các thế hệ để giảm bớt khó khăn cho họ; hỗ trợ tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân vùng ô nhiễm chất độc da cam. Nhà nước cần đầu tư hỗ trợ thực hiện việc chăm sóc sức khỏe phục hồi chức năng, can thiệp sớm dị tật, khuyết tật, xông hơi giải độc cho nạn nhân để cải thiện sức khỏe; có văn bản quy định tiêu chí, thủ tục, danh mục các bệnh, tật bẩm sinh của trẻ em để có cơ sở xác định trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Đồng thời, Nhà nước có đề án chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho trẻ em là nạn nhân da cam; tiếp tục có biện pháp ngoại giao để yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ các chương trình tẩy độc ô nhiễm chất độc hóa học, ngăn ngừa phơi nhiễm, phục hồi chức năng, sức khỏe cho nạn nhân da cam…