Dễ kiếm việc với 4 ngành công nghiệp trọng yếu

Nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP Hồ Chí Minh đang tăng cao, vì vậy người lao động cũng có nhiều cơ hội tìm việc.

Là công ty chuyên về lắp ráp cơ khí, kĩ thuật, ông Phạm Văn Vân, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần LILAMA 18 cho biết, đơn vị đang cần tuyển dụng 500 lao động chuyên về kĩ sư cơ khí để phục vụ nhiều dự án đang triển khai. Mức lương của người lao động khá cao khi ký hợp đồng chính thức với công ty. Ngoài mức lương, người lao động còn được cung cấp chỗ ở miễn phí, có wifi, có người giặt quần áo lao động và có xe đưa đón đi làm.


Mới đây, để tận dụng hiệu quả nguồn lao động, nhất là lao động có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay, trung tâm đã tổ chức hoạt động “Sàn giao dịch việc làm 4 ngành công nghiệp trọng yếu” bao gồm: cơ khí, điện tử- công nghệ thông tin, hóa chất- nhựa cao su, chế biến tinh lương thực - thực phẩm…

Người lao động những ngành công nghiệp trọng yếu có cơ hội tìm việc dễ dàng

Ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh cho biết, để thu hút người lao động 4 ngành công nghiệp trọng yếu, các trung tâm giới thiệu việc làm của thành phố đã phối hợp với các trường đại học nhắn tin trực tiếp tới 2.000 sinh viên vừa tốt nghiệp và những lao động đang thất nghiệp thuộc các ngành này để đến phỏng vấn, gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp để tìm việc làm mới phù hợp.


“Vừa qua, lần đầu tiên trung tâm tổ chức sàn giao dịch việc làm cho 4 ngành này, theo đó trong 42 doanh nghiệp lên sàn giao dịch việc làm lần này đã có nhu cầu tuyển hơn 6.200 lao động với mức lương cao nhất là 21 triệu đồng/người/tháng. Điều này chứng tỏ, ngành công nghiệp trọng yếu đang có nhu cầu tuyển dụng cao sẽ tạo được nhiều cơ hội cho các lao động thất nghiệp, sinh viên mới ra trường”, ông Trần Xuân Hải nói.

Doanh nghiệp ngành công nghiệp trọng yếu thường xuyên tới các sàn giao dịch việc làm để tuyển lao động.

Với các vị trí tuyển dụng và chức danh khác nhau như kỹ sư điện- điện tử, kỹ sư cơ khí, kỹ sư công nghệ thông tin, thiết kế, thợ Hàn, kỹ thuật điện, lập trình phần mềm, nhân viên IT, kỹ sư hóa hữu cơ/vô cơ…, mức lương bình quân từ 8.000.000 – 21.000.000 đồng/tháng.


Tương tự, theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, ngành cơ khí - tự động hóa, nhu cầu tuyển dụng cũng đang tăng mạnh, gấp khoảng 2 lần so với năm ngoái và hơn 70% các vị trí tuyển dụng của ngành, có mức lương từ 6.000.000 – 12.000.000 đồng. Hơn 63% lao động ngành này cần là lao động đã qua đào tạo như kỹ sư ứng dụng, giám sát kỹ thuật, kiểm định viên về chế tạo máy, nhân viên vận hành máy…. Trong khi đó, ngành công nghệ thông tin cũng đang cần gần 70% lao động có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học…


Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố cho biết, 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố có nhu cầu tuyển dụng rất cao trong những năm tới, chẳng hạn như ngành cơ khí trong 10 năm tới tiếp tục phát triển các chuyên ngành cơ khí công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn, giảm thiểu gia công đơn thuần. Mục tiêu của ngành cơ khí đến năm 2020 đạt trình độ công nghệ tương đương các nước hàng đầu trong khu vực.

Phỏng vấn tuyển dụng lao động trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm sẽ giúp sinh viên có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1.500 doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí, bình quân mỗi năm cần thêm 8.100 lao động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn khó tuyển đủ lao động. Vừa qua, để có lao động, nhiều doanh nghiệp chỉ  tuyển dụng nhân lực cơ khí không cần có tay nghề để đưa đi đào tạo tại nước ngoài hoặc về đào tạo lại. Điều đó cho thấy, nguồn nhân lực cơ khí tại Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng đang khan hiếm.


Hoặc như nhân lực ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm, hàng năm cần khoảng 11.000 lao động với 60% nhu cầu ở trình độ trung cấp, chỉ cần 12% có trình độ cao đẳng, đại học nhưng hàng năm vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu… Đây là những cơ hội rất lớn cho các sinh viên mới tốt nghiệp và người lao động thất nghiệp kiếm việc làm.


Được biết, trong năm 2016, 4 ngành công nghiệp trọng yếu thành phố cần tuyển dụng khoảng 38.000 lao động (chiếm khoảng 15% tổng nhu cầu nhân lực toàn thành phố). Nhu cầu nhân lực trong 4 ngành này tiếp tục gia tăng từ nay đến năm 2020 với nhu cầu cần khoảng 47.000 lao động.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
Ứng dụng cộng nghệ thông tin kết nối việc làm
Ứng dụng cộng nghệ thông tin kết nối việc làm

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN