Nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội có những chương trình bơi rất hấp dẫn cho trẻ em. Bên cạnh đó, các trường bơi chuyên nghiệp, trung tâm luyện tập thể thao cũng dành cho trẻ em những khoá học ưu đãi. Bằng nhiều hình thức khác nhau, phụ huynh ở Hà Nội đang cho con em tiếp cận với bơi lội. Nhưng vì sao nhiều trẻ dù qua vài khoá học bơi vẫn chưa thể làm chủ mình ở dưới nước?
Bơi lội là một trong những môn thể thao được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con trong dịp hè. |
Anh Nguyễn Phương Thanh (một huấn luyện viên bơi lội tại bể bơi của Trung tâm phụ nữ, đường Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Từng là vận động viên rồi là huấn luyện viên tôi gặp không ít trường hợp cha mẹ ép con học bơi một cách thái quá. Có những cháu còn khá nhỏ, vốn sợ nước nhưng bố mẹ nhất định giao hẳn cho thầy ngay buổi đầu tiên học, rồi ngồi trên bờ quát tháo. Trong khi cháu vừa sợ nước, vừa sợ người lạ. Tôi có vài học trò độ tuổi mầm non, tiểu học đã qua hai mùa bơi nhưng mỗi lần xuống bể đều bị tâm lý sợ hãi. Có lúc, bản thân các cháu còn không kiểm soát được nhịp thở do ngộp nước”.
Theo huấn luyện viên này, trước thực trạng nước bể bơi không đồng đều ở nhiều nơi như hiện nay buộc phụ huynh phải trang bị cho con các kỹ năng vệ sinh (nếu đã lớn) cũng như phải theo sát nếu đang còn nhỏ tuổi.
“Việc kiểm tra chất lượng nước bể bơi hiện nay vẫn đang còn rất nhiều tranh cãi. Hơn nữa, nhiều bể bơi hiện nay là tích hợp giữa bể người lớn và trẻ em. Lượng người bơi vào những dịp nắng nóng tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với mùa khác. Tình trạng quá tải này cũng làm tăng nguy cơ gây bệnh. Vì vậy, chính cha mẹ cũng cần tìm hiểu về các khâu chuẩn bị để con không mang bệnh tật khi bơi”, anh Nguyễn Phương Thanh cho biết.
Do đó, theo anh Nguyễn Phương Thanh thì việc chuẩn bị cho con học bơi thì đầu tiên là chuẩn bị tâm lý. “Nếu con thích nước thì không sao. Nhưng nếu sợ, những buổi đầu chính cha mẹ phải là người cùng con giải tỏa nỗi sợ ấy cùng với sự hướng dẫn của huấn luyện viên và các dụng cụ cần thiết như: khăn tắm, quần áo bơi, kính bơi, nước muối sinh lý nhỏ mắt, nhỏ mũi, sữa tắm dành cho trẻ. Cha mẹ luôn luôn cập nhật từ huấn luyện viên của con sau mỗi buổi bơi về tình trạng sức khoẻ tiếp cận bài học ra sao; Kiểm soát việc tắm tráng cho trẻ trước khi xuống nước và sau khi học xong. Nhỏ nước muối sinh lý dành cho trẻ sau khi tắm gội xong. Sau đó, cha mẹ nên để con lưu ở khu vực bơi từ 10- 15 phút để cơ thể điều nhiệt. Bởi nhiệt độ ở phòng bơi và bên ngoài vào những dịp nắng nóng có sự chênh lệch khá lớn. Nếu trẻ vừa bơi với thời lượng từ 30- 60 phút và ra ngoài luôn sau đó rất dễ bị cảm”.
Cũng vì thế những địa điểm bơi lội dành cho trẻ em cũng luôn quá tải dịp này. |
Các chuyên gia về bơi lội khuyên rằng các em nên đến lớp học trước từ 10 - 15 phút để có những bài tập khởi động, tắm tráng trước khi xuống bể bơi. Đó là những bài tập vận động nhẹ như xoay khớp gối cổ tay, cổ chân, đùi. Nhiều huấn luyện viên của trường cho rằng việc khởi động rất quan trọng cho cả quá trình bơi của trẻ. Trước nhất, tạo không khí luyện tập, tiếp đó là mang lại sự dẻo dai trong cả quá trình bơi.
Còn giáo viên hướng dẫn bơi Lê Văn Trinh, Trường Thể dục Thể thao Thanh thiếu nhi quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Việc khởi động, xoay các khớp cổ chân, cổ tay giúp trẻ tránh hiện trượng chuột rút. Sau khi khởi động thì trẻ cần tắm tráng. Việc trẻ tắm tráng trước khi xuống bể bơi không chỉ giúp cơ thể nhanh thích nghi với môi trường mà còn đảm bảo cho bể bơi sạch sẽ.
“Việc khởi động sẽ phù hợp với từng cấp độ mà trẻ sẽ học sau đó. Ví dụ với bơi ếch, chân tay luyện tập trên cạn như đạp ếch, quạt ếch, phối hợp hít thở. Điều này giúp trẻ khi xuống bơi không bị ngạt nước hoặc chuột rút. Khi ở trên bờ nếu các em không vận động những động tác đơn lẻ mà đã vội vàng xuống nước ngay dễ bị ngạt nước”, anh Lê Văn Trinh chia sẻ.
Quá trình đuối nước có thể chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu là lúc nạn nhân biết mình gặp nguy hiểm vẫn có thể vẫy tay hoặc kêu cứu trong khoảng 10 giây. Giai đoạn hai: Theo phản ứng bản năng, nạn nhân không thở được, đầu nhô lên nhiều lần hoặc chìm xuống, mắt chớp liên tục tìm cách để an toàn hoặc hướng về phía bờ. Người nạn nhân lúc này đứng thẳng trong nước, chân gần như không đạp mà chỉ có tay cử động. Phản ứng bản năng này chỉ xảy ra trong 30 giây, tối đa là 60 giây, vì vậy cần cứu nạn nhân càng nhanh càng tốt.
Do đó, không chỉ giao trẻ luôn cho huấn luyện viên, cho lớp dạy bơi mà chính cha mẹ cũng cần có những kiến thức, kỹ năng này để giúp con có thể bước vào môn bơi lội một cách có hiệu quả.
Clip hướng dẫn trẻ bơi đúng cách: