Sáng ngày 26/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Thường trực ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đồng tổ chức hội nghị về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn vùng Tây Nguyên.
Theo báo cáo tại hội nghị, dự báo đến năm 2015, toàn vùng Tây nguyên có khoảng 5,5 triệu người, đến năm 2020 có khoảng 6 triệu người, bằng 6% của cả nước. Dân số trong tuổi lao động năm 2015 có khoảng 3,6 triệu người và đến năm 2020 có khoảng 4 triệu người. Lực lượng lao động (nguồn cung lao động) của cả vùng Tây Nguyên năm 2015 dự báo có khoảng trên 3 triệu người và năm 2020 có 4 triệu người, bằng 93% dân số trong tuổi lao động của vùng và chiếm 6% lực lượng lao động của cả nước.
Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu nhân lực trong toàn vùng phải tăng nhanh cả số lượng lẫn chất lượng. Dự báo, tốc độ tăng lao động qua đào tạo toàn vùng bình quân hàng năm thời kỳ 2011- 2020 khoảng 7%/năm, trong đó giai đoạn 2011- 2015 khoảng 9%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 5,5%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng đến năm 2015 đạt khoảng 41% và đến năm 2020 có khoảng 50%. Năm 2015, nhân lực qua đào tạo của vùng sẽ đạt khoảng 1,3 triệu người và đến năm 2020 đạt khoảng 1,7 triệu người.
Quang cảnh buổi hội nghị. |
Quy mô nhân lực qua đào tạo trong 10 năm 2011-2020 tăng khoảng 857.000 người, bình quân năm tăng 85.000 người. Giai đoạn 2011- 2020, vùng Tây Nguyên tập trung đào tạo đủ nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn như công nghiệp thủy điện, khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, nhân lực kỹ thuật phục vụ cho sự phát triển của ngành trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, ca cao, điều…Phát triển nhân lực tại chỗ cho các ngành khác như tài chính ngân hàng, tín dụng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Theo đó, đến năm 2020, mỗi tỉnh Tây Nguyên có ít nhất một trường cao đẳng nghề (trong đó, mỗi trường có ít nhất 2 đến 3 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 3 đến 5 nghề cấp độ quốc gia) đầu tư xây dựng các trường dân tộc nội trú hoặc thành lập khoa dân tộc nội trú tại các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, đồng thời, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở tất cả các huyện thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, bổ sung đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, có chính sách hỗ trợ người học nghề thích hợp, phù hợp với tình hình thực tế…
Cũng theo báo cáo, từ năm 2005 đến năm 2013, các tỉnh Tây Nguyên đã giải quyết việc làm cho trên 805.950 lao động, chủ yếu là lực lượng lao động thanh niên nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng Tây Nguyên đạt khoảng 37%, trong đó, qua đào tạo nghề được 30%. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên có 162 cơ sở dạy nghề, gồm 1 trường đại học, 9 trường cao đẳng nghề , 25 trường trung cấp nghề, còn lại là các trung tâm dạy nghề… Quy mô, năng lực đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nghề ở các tỉnh Tây Nguyên được nâng lên đáng kể và các ngành nghề đào tạo chủ yếu là phục vụ cho phát triển kinh tế của các địa phương, gắn với thế mạnh của vùng như du lịch, lâm sinh, chế biến cà phê, ca cao, kỹ thuật máy nông nghiệp, chế biến gỗ, vận hành điện trong nhà máy thủy điện, khai thác khoáng sản…
Hội nghị cũng đề xuất, kiến nghị chính phủ, các bộ, ngành trung ương sửa đổi, bổ sung một số chính sách dạy nghề đối với các đối tượng đặc thù như sửa đổi, bổ sung Quyết định 267, 195 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú theo hướng mở rộng đối tượng, hình thức đăng ký dạy nghề,đảm bảo ngân sách trung ương để thực hiện, Ưu tiên bố trí kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ dạy nghề cho các địa phương thuộc các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, điều chỉnh các mức hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế. Kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đổi mới và cơ cấu lại hệ thống dạy giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo hợp lý về số lượng, quy mô, ngành nghề, cấp trình độ, đi đôi với nâng cao chất lượng và hiệu quả. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính cho các cơ sở dạy nghề cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động học nghề trong vùng, nhất là chính sách hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số. tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi để được tham gia học nghề, tự tạo việc làm, nghiên cứu, hướng dẫn các hình thức tổ chức đào tạo phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Tin, ảnh: Quang Huy (TTXVN)