Đào tạo nghề cho đồng bào tái định cư

Để phục vụ việc xây dựng Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, 4.139 hộ, với 20.138 nhân khẩu, thuộc 88 thôn, ở 11 xã thuộc vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đã được di chuyển đến 125 điểm tái định cư mới. Sau khi di chuyển đến nơi ở mới, mặc dù được Nhà nước quan tâm đầu tư xây cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng nhưng đời sống người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu đất sản xuất. Do vậy, để tiếp tục ổn định, nâng cao đời sống cho người dân sau khi di chuyển đến nơi ở mới, tỉnh Tuyên Quang đang tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề cho đồng bào tái định cư.


Trong năm 2014, ngoài việc hỗ trợ đào tạo nghề qua việc lồng ghép các chương trình, dự án, tỉnh Tuyên Quang còn quyết định đầu tư 500 triệu đồng để hỗ trợ trực tiếp việc đào tạo nghề cho đồng bào tái định cư.

 

Các nghề được tỉnh Tuyên Quang chú trọng đào tạo cho đồng bào di dân tái định cư chủ yếu là: Mây giang, tre đan; làm chổi chít; chăn nuôi gia súc, gia cầm; chăn nuôi cá; sửa chữa máy nông nghiệp và các lớp tập huấn ứng dụng kỹ thuật mới vào trồng nấm; kỹ thuật trồng chè. Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các cấp, các ngành huy động lồng ghép các nguồn lực từ chương trình mục tiêu, dự án, đề án để tập trung hỗ trợ đồng bào tái định cư, như tín dụng ưu đãi sinh viên, vốn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, tư vấn giới thiệu việc làm.


Ông Đỗ Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết: Để phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề, trung tâm đặc biệt quan tâm đến việc đánh giá khả năng, nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn của các hộ dân. Khi tổ chức triển khai dạy nghề cho bà con tái định cư, trung tâm không những quan tâm đến chất lượng truyền dạy, mà còn hỗ trợ nhân dân duy trì nghề sau khi được đào tạo, giúp bà con có thu nhập thường xuyên từ nghề mới. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn; liên hệ và giới thiệu việc làm cho lao động, đảm bảo người học có việc làm sau khi học nghề.


Trong năm 2013, tổng lao động các khu, điểm tái định cư thủy điện Tuyên Quang được đào tạo nghề qua việc lồng ghép các chương trình, dự án là 1.496 lao động. Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu hết năm 2014, sẽ đào tạo nghề cho 9.600 lao động.



TTXVN/ Tin Tức

Khó khăn đào tạo nghề cho lao động miền núi
Khó khăn đào tạo nghề cho lao động miền núi

Nhằm từng bước nâng cao đời sống kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện vùng cao, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề để đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN