Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn Tiền Giang

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Tiền Giang được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực;  không những  góp phần tạo việc làm, hình thành các mô hình sản xuất, mang lại lợi ích cho nông hộ và cộng đồng, mà còn thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cơ sở.


Đào tạo nghề ở nông thôn Tiền Giang đã mang lại hiệu quả tích cực. Ảnh:baoapbac.vn


Thực hiện chương trình toàn khóa về xây dựng nông thôn mới tại 30 xã đầu tiên của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, Tiền Giang đã đầu tư gần 1,1 tỉ đồng, mở 47 lớp dạy nghề nông nghiệp, thu hút 1.355 lao động nông thôn, giúp các xã đạt các tiêu chí về lao động có việc làm thường xuyên và lao động nông thôn qua đào tạo.


Để đạt mục tiêu cũng như nâng hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phù hợp với đặc thù từng địa bàn, từng vùng và tiểu vùng, tỉnh còn lồng ghép nội dung trên trong các dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ như: Mở lớp kỹ thuật chăn nuôi bò tại xã Phú Đông (huyện Tân Phú Đông) trong khuôn khổ dự án Heifer, mở lớp kỹ thuật chăn nuôi bò tại xã Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây) trong khuôn khổ dự án Oxfam, mở 5 lớp kỹ thuật trồng thanh long trong tại huyện Chợ Gạo trong khuôn khổ dự án phát triển vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang...


Bên cạnh đó, tỉnh còn kết hợp mở 6 lớp dạy nghề với hỗ trợ vốn nông dân từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh. Sau khi học nghề, các học viên được vay từ 10 đến 20 triệu đồng/ hộ để phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề nông thôn với lãi suất ưu đãi.



Qua đánh giá sau đào tạo nghề, các học viên đã áp dụng có hiệu quả những kiến thức nghề vào thực tiễn sản xuất và đời sống, xây dựng và nhân rộng những mô hình thâm canh cây trồng, vật nuôi tiên tiến mang lại lợi nhuận cao, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại chỗ.


Một số mô hình tốt như Trồng nấm rơm tại xã Hữu Đạo (Châu Thành), thâm canh mãng cầu xiêm theo hướng VietGAP tại huyện Tân Phú Đông, trồng thanh long VietGAP tại huyện Chợ Gạo, chăn nuôi lợn tại xã Hậu Mỹ Bắc A (Cái Bè), chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học tại huyện Tân Phước và thị xã Gò Công.


Một số nơi đã hình thành các tổ hợp tác sản xuất nhằm tập hợp các hộ cùng ngành nghề, giải quyết việc làm, hình thành vùng chuyên canh hàng hóa lớn như: Tổ hợp tác trồng nấm ở xã Hữu Đạo (Châu Thành), Tổ hợp tác trồng mãng cầu xiêm ở Tân Phú Đông, Tổ hợp tác trồng thanh long VietGAP ở Chợ Gạo...


Từ nay đến cuối năm 2014, Tiền Giang có kế hoạch đầu tư thêm 3,84 tỉ đồng mở 139 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với tổng cộng 11 ngành nghề đào tạo phù hợp với đặc thù từng vùng, tiểu vùng, thu hút 4.400 học viên.


Với việc tập trung cho công tác đào tạo nghề, Tiền Giang thiết thực giúp nông hộ giải quyết bài toán việc làm và thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch trong cơ cấu lao động nông thôn cũng như giúp các xã được chọn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015 tăng tốc về đích, sớm đạt các tiêu chí theo kế hoạch và lộ trình đề ra.

Minh Trí


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN