Nằm cách trung tâm huyện Tây Giang khoảng 50 km, trong đó có tới hơn 17 km là đường đất rất khó đi với những con dốc cao thẳng đứng chạy dưới những tán rừng già, hiện xã vùng biên Ch’Ơm vẫn chưa được nhiều người biết đến. Toàn xã có 350 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơ Tu với gần 1.700 nhân khẩu sinh sống ở 8 thôn.
Khu dân cư mới ở xã Axan, huyện Tây Giang (Quảng Nam). |
Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển các loại cây thảo mộc nhưng người dân ở đây mới chỉ dừng lại trồng cây với diện tích manh mún, phân tán, chưa chú trọng tới việc chăm sóc, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nên giá trị và năng suất chưa cao. Với định hướng thoát nghèo và nâng cao đời sống của đồng bào bằng chính lợi thế này, xã Ch’Ơm đang khuyến khích người dân trồng các loại cây thảo mộc theo hướng tập trung, mang tính hàng hóa.
Dẫn chúng tôi đi thăm các hộ dân trong xã, ông Hồ Đắc Vinh, Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm cho biết: Từ khi thay đổi tập quán sản xuất những vườn cây đẳng sâm, tr’đin người dân đã có nguồn thu nhập đáng kể. Đẳng sâm là cây trồng có diện tích phát triển lớn nhất của xã với 87 ha. Năm 2015, người dân trong xã đã thu hoạch hơn 2,5 tấn đẳng sâm, bán được hơn 300 triệu đồng. Thôn Cha’nốc xã Ch’Ơm hiện có 25 ha diện tích trồng cây đẳng sâm. Nhiều hộ dân ở đây đã thoát nghèo nhờ loại cây trồng này.
Ông Alăng Đôn, Trưởng thôn Cha'nốc cho biết: Trước đây, đồng bào Cơ Tu đã trồng đẳng sâm trong vườn nhưng chủ yếu để cây tự phát triển mà không có sự chăm sóc nên cây lâu lớn. Đến vụ thu hoạch, người dân cũng chỉ đào lấy củ ngâm rượu uống, thỉnh thoảng mang xuống xã bán. Mấy năm gần đây, nhờ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, người dân đã biết kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hiệu quả, cây đẳng sâm phát triển nhanh, người dân bán được nhiều hơn. Bên cạnh đó, thôn Cha’nốc cũng đang trồng thử hơn 2.000 cây táo mèo được hơn 1 năm tuổi, bước đầu cây phát triển tốt, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây.
Nằm giáp với biên giới nước bạn Lào, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ch’Ơm có 1 điểm trường chính ở trung tâm xã và 4 điểm trường thôn. Hiện tại, các điểm trường đang có 340 em học sinh theo học tại 22 lớp, chủ yếu là con em đồng bào Cơ tu. |
Còn tại thôn Atu 1, người dân đang tập trung phát triển những đồi cây tr’đin - một loại cây cho nước từ thân, khi kết hợp với vỏ của cây chuôlr sẽ tạo thành loại rượu đặc sản tự nhiên. Theo già làng Bríu Nhai, ngày trước người dân chỉ biết vào rừng khai thác nước của cây tr’đin để làm rượu, nhưng nay bà con đã biết mang giống về trồng tại vườn đồi của gia đình. Trong khu vườn đồi trồng khoảng 20 cây tr’đin 4 năm tuổi, mỗi ngày già làng Bríu Nhai cũng khai thác từ 10 - 15 lít rượu tr’đin.
Huyện Tây Giang đang triển khai đề án hỗ trợ phát triển các cây trồng bản địa cho giá trị kinh tế cao như cây đẳng sâm, tr’đin và ba kích. Tùy theo diện tích trồng mới từ 1 ha đến trên 10 ha, người dân sẽ được huyện hỗ trợ từ 5 triệu đồng - 10 triệu đồng. Điều này khuyến khích mạnh mẽ người dân phát triển các loại cây bản địa, nâng cao thu nhập.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đối với sự phát triển của Ch’Ơm chính là sự cách trở về giao thông. Mặc dù trên địa bàn xã đã có cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm (Lào) đặt tại thôn Cha’nốc được thành lập năm 2013, nhưng đến nay hệ thống giao thông tại đây hầu như chưa có gì. Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Nam và huyện Tây Giang đang quyết tâm thi công tuyến đường bê tông, thảm nhựa dài khoảng 17 km từ xã Axan lên xã Ch’Ơm để hoàn chỉnh tuyến đường kết nối từ trung tâm huyện lên vùng biên này.
Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: Tuyến đường này có tổng mức đầu tư 310 tỷ đồng và sẽ được thi công vào đầu năm 2016. Huyện cũng vừa hoàn thành xây dựng đề án quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu tại thôn Cha’nốc với diện tích khoảng 300 ha và đang chờ các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam thẩm định, phê duyệt. Tuyến đường được hoàn thành sẽ tạo động lực mới, giúp việc giao thương, trao đổi hàng hóa ở khu vực biên giới với trung tâm huyện được thuận lợi. Đồng thời, con đường cũng sẽ mở ra hướng phát triển du lịch, đưa du khách đến mảnh đất vùng biên Ch’Ơm - nơi được mệnh danh như một “khu vườn thảo mộc” lớn giữa đại ngàn Trường Sơn, thăm cột cờ Tổ quốc ở đỉnh Cha’nốc và khám phá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu.