Đó là nội dung chính tại hội thảo chia sẻ thông tin về công nghệ bơm chữa cháy trong các nhà cao tầng giữa các chuyên gia của Pentair Aurora, Diesel Clarke, Tornatech- những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này và đại diện Cục Cảnh sát Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), Đại học Phòng cháy, chữa cháy, tổ chức tại Hà Nội ngày 27/3.
Theo Thiếu tá Đoàn Tự Lập, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, thực tế hiện nay cho thấy điều đáng lo là các đơn vị, doanh nghiệp, chủ đầu tư mới chỉ quan tâm đến hệ thống phòng cháy chữa cháy ở bước đầu như lập hồ sơ thẩm duyệt, thiết kế, nghiệm thu. Nhưng việc vận hành hệ thống sau khi đưa vào khai thác, sử dụng và tuổi thọ thiết bị, việc bảo quản, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, đặc biệt là trạm bơm chữa cháy và tủ điều khiển - là trái tim của hệ thống chữa cháy, việc kết nối giám sát, vận hành sau này chưa được quan tâm.
“Hệ thống chữa cháy có vận hành không, trạm bơm có chạy không và khi xảy ra sự cố cháy nổ đối với tòa nhà, công trình thì trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ đầu tư cũng như trách nhiệm của đơn vị cung cấp thế nào, đấy mới là điều quan trọng, cần được quan tâm”, Thiếu tá Đoàn Tự Lập nhấn mạnh.
Về góc độ quản lý Nhà nước, hiện nay các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam chưa có quy định cụ thể về trạm bơm nước chữa cháy. Tuy nhiên, hai năm vừa qua, Bộ Công an đã chủ trì, xây dựng Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm bơm nước chữa cháy để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân nhằm sớm ban hành. Dự thảo quy định các yêu cầu chung đối với trạm bơm nước chữa cháy và bắt buộc áp dụng trong tất cả các giai đoạn thiết kế, lắp đặt mới, cải tạo, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng và vận hành trạm bơm nước chữa cháy.
Trong thảo luận của đại diện, chuyên gia của Pentair Aurora, Diesel Clarke, Tornatech - Những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy về yếu tố hiệu quả, an toàn của hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy - mối quan tâm hàng đầu tại các cao ốc, văn phòng ở đô thị Việt Nam hiện nay, ông Hoàng Ngọc Khánh, đại diện Tập đoàn bơm Pentair Aurora - Hoa Kỳ cho rằng: Sau những sự cố cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thời gian qua, việc thẩm duyệt, lắp đặt, nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy mới thực sự được nhìn nhận nghiêm túc, bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc bảo trì, kiểm định định kỳ hệ thống sau lắp đặt, nhất là máy bơm chữa cháy và nguồn nước chữa cháy nói riêng.
“Trong quá trình xây các dự án này, mỗi dự án phải lắp đặt hệ thống chữa cháy tại chỗ để phục vụ công tác chữa cháy. Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng các công trình cũng đã quy định rõ những tiêu chí về hệ thống kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, mức độ an toàn, hệ thống thang thoát hiểm. Bộ Công an có quy định quy chuẩn riêng về hệ thống chữa cháy và các thiết bị chữa cháy. Để đảm bảo hệ thống chữa cháy tại chỗ vận hành tốt khi có hỏa hoạn xảy ra thì có hai hạng mục đặc biệt quan trọng là máy bơm chữa cháy và nguồn nước chữa cháy”, ông Hoàng Ngọc Khánh nhấn mạnh.
Theo số liệu của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, năm 2018, cả nước xảy ra 4.182 vụ cháy tại các cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông và cháy rừng, làm chết 90 người, bị thương 208 người, tiêu hủy về tài sản trị giá 2.014 tỷ đồng và 1.067 ha rừng. Xảy ra 44 vụ nổ, làm chết 10 người, bị thương 54 người, thiệt hại về tài sản 543,3 triệu đồng. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã thực hiện 3.815 vụ cứu nạn, cứu hộ, trong đó có 2.857 vụ cứu nạn, cứu hộ trong đám cháy. Tổ chức hướng dẫn thoát nạn được hàng nghìn người; trực tiếp cứu được 549 người; tìm được 430 thi thể nạn nhân bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý.