Đắk Nông giảm mạnh nạn phá rừng

Ông Hà Công Tài, Chi cục trưởng, Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cho biết: Nạn phá rừng của địa phương năm 2012 giảm mạnh, cả năm toàn tỉnh phát hiện và lập biên bản xử lý hơn 780 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 347 vụ phá rừng trái pháp luật, gây thiệt gần 300 ha rừng, giảm khoảng 1.000 ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng bị phá tập trung ở các huyện Ðắk Glong 100 ha, Ðắk Song 60 ha, Tuy Ðức 70 ha, Cư Jút 45 ha…


Nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị lâm tặc đốn hạ. Ảnh Internet.



Nguyên nhân diện tích rừng bị phá giảm mạnh so với nhiều năm trước là do vai trò, trách nhiệm và nhận thức về tài nguyên rừng của các cấp, các ngành, chủ rừng và người dân được nâng lên. Ngoài ra, công tác quản lý bảo vệ rừng được các cấp, các ngành, lực lượng chức năng và địa phương triển khai ngày một chặt chẽ, quyết liệt hơn. Chủ rừng phối hợp với chính quyền cơ sở, già làng và trưởng thôn, buôn đẩy mạnh công tác vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm đã phối hợp các ngành, địa phương tổ chức nhiều đợt truy quét “điểm nóng” phá rừng, cưỡng chế, giải tỏa lấn chiếm đất rừng. Cụ thể, Kiểm lâm tỉnh phối hợp với huyện Krông Nô cưỡng chế, giải tỏa được hàng chục đối tượng lấn chiếm và sử dụng 173 ha đất rừng trái phép ở khu rừng cộng đồng thôn Phú Lợi, xã Quảng Phú. Nhiều huyện đã chủ động thành lập Ðoàn 12, tổ chức rà soát, thống kê được những diện tích rừng bị lấn chiếm, đồng thời lên phương án giải tỏa và thu hồi với tổng diện tích hơn 5.700 ha đất rừng.

Các công ty lâm nghiệp, lâm trường đã giao về cho địa phương quản lý hơn 94.000 ha đất, trong đó đất lâm nghiệp hơn 65.000 ha, đất khác gần 30.000 ha. Sau khi nhận đất, rừng, các địa phương đã triển khai cấp “sổ đỏ” cho người dân, giao cho doanh nghiệp thuê thực hiện dự án nông, lâm nghiệp, phần còn lại giao các xã quản lý.

Để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ rừng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Diễn giao trách nhiệm cho lãnh đạo chính quyền, các sở ban ngành cụ thể như: Chủ tịch UBND huyện phải chỉ đạo, kiểm tra các xã, các đơn vị chủ rừng đóng trên địa bàn lập và thực hiện phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; trực tiếp xử lý các hành vi vi phạm pháp theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đất đai, đảm bảo việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương. Chỉ đạo các đơn vị của địa phương tiến hành kiểm tra, thống kê tình hình dân di cư tự do trên địa bàn, quy hoạch vùng tái định cư và vùng sản xuất nương rẫy; lập kế hoạch di dời, giải tỏa dân di cư xâm canh phá rừng. Đối với Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn phải xác định mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế chính sách, vốn đầu tư và đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh…

Trần Hữu Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN