Với trên 65,6% số dân sống ở vùng nông thôn, y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng, góp phần tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ y tế ngay tại cơ sở, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khoẻ và giảm thấp nhất chi phí cho người dân.
Theo dõi sức khỏe liên tục, suốt đời
Hoạt động củng cố hệ thống y tế cơ sở và tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu luôn là những ưu tiên trong chính sách phát triển y tế Việt Nam, góp phần quan trọng trong cải thiện tình trạng sức khỏe nhân dân. Trước bối cảnh già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, trong khi y tế cơ sở vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, việc xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Với quan điểm chỉ đạo “sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt”, Nghị quyết 20 - NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới khẳng định: Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nghị quyết nêu rõ, đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Đây cũng chính là yêu cầu đặt ra cho ngành Y tế, thúc đẩy y tế cơ sở nhanh chóng đổi mới để làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân, theo hướng được tư vấn, theo dõi sức khỏe liên tục, suốt đời và điều trị khi cần thiết.
Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5/12/2016 đã xác định đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở; bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn…
Đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2020: Ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 95% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 70% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; phấn đấu 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; hoàn thành việc đầu tư trạm y tế ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Việc thực hiện được các mục tiêu của Đề án chính là một trong những bước đi cụ thể góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết 20 - NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh
Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau 3 năm thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, 5 mục tiêu cụ thể của Đề án đã được cải thiện rõ rệt so với năm năm 2016. Tỷ lệ trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng từ 90,0% năm 2016 lên 92,6% năm 2019, ước đạt 92,8% năm 2020. Tỷ lệ trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã tăng từ 30,0% năm 2016 lên 40,8% năm 2019 và ước đạt 48,8% năm 2020. Tỷ lệ trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện tăng từ 22,7% năm 2016 lên 30,5% năm 2019, ước 42,1% năm 2020. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã tăng từ 76,2% năm 2016 lên 91,9% năm 2019, ước đạt 94,4% năm 2020. Tỷ lệ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe từ 0,2% năm 2016 lên 23,9% năm 2019, ước đạt 45,6% năm 2020.
Ba mục tiêu không đạt được là đến năm 2020 có 90% số trạm y tế xã thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 95% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện và 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân không đạt các mục tiêu này là do bất cập về cơ chế, chính sách, thiếu thuốc so với danh mục, năng lực cung ứng dịch vụ hạn chế, người dân chưa tin tưởng vượt tuyến trên, các phần mềm còn phân mảnh, khó khăn trong kết nối, tích hợp dữ liệu.
Mặc dù chưa đạt chỉ tiêu đề ra nhưng tỷ lệ trung tâm y tế, trạm y tế thực hiện được trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật; tỷ lệ trạm y tế quản lý bệnh không lây nhiễm; tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đã được cải thiện rõ rệt so với năm 2016.
Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố triển khai và đã đầu tư toàn diện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ nguồn vốn ODA (Dự án HPET sử dụng vốn vay WB) và ngân sách địa phương.
Đặc biệt, y tế cơ sở đã góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt trong phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, giám sát, điều tra dịch tễ người đi đến từ vùng dịch.
Nhiều bệnh viện tuyến huyện đã trở thành bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Trung ương và tuyến cuối, được chuyển giao kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ. Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2019 cho thấy, chỉ 0,4% số người sử dụng dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện lót tay nhân viên y tế (năm 2016: 17%). Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên tổng số lượt khám chữa bệnh chung được cải thiện, tại tuyến huyện tăng từ 8,96% năm 2016 lên 13,8% năm 2019; tuyến xã tăng từ 28,5% năm 2016 lên 30,3% năm 2019.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, đặc biệt là các huyện vùng khó khăn, ở trạm y tế xã. Tỷ lệ lượt người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú có xu hướng giảm tại trạm y tế xã (17,7% năm 2016; 15,9% năm 2018). Y tế cơ sở vẫn chưa thực hiện tốt việc quản lý sức khỏe cá nhân, tầm soát phát hiện bệnh sớm, quản lý bệnh nhất là các bệnh mạn tính. Các phần mềm còn phân mảnh, không thống nhất do không cùng nền tảng giải pháp kỹ thuật, phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp nên việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn.
Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cơ sở
Mục tiêu của Đề án đến năm 2025, 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe. Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Y tế đề ra 5 mục tiêu. Đó là hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế cơ sở theo hướng trung tâm y tế huyện đa chức năng, quản lý toàn tiện và điều phối nguồn lực của các trạm y tế xã, huy động sự tham gia của y tế tư nhân.
Nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của y tế cơ sở theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép, đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực thông qua tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên hai chiều, khám chữa bệnh từ xa.
Ngành Y tế đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính cho y tế cơ sở, thực hiện phương thức thanh toán theo định suất, hoàn thiện gói dịch vụ y tế bản, cơ chế giá và đồng chi trả bảo hiểm y tế, khuyến khích sử dụng dịch vụ y tế cơ sở; tập trung đầu tư cho y tế cơ sở đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu đổi mới về chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt vùng miền núi, biển đào, vùng khó khăn.
Ngành xác định phạm vi cung ứng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở phù hợp với đặc thù vùng miền khác nhau, hoàn thiện gói dịch vụ y tế tại y tế cơ sở; chú trọng chăm sóc sức khỏe đối tượng ưu tiên như bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, khu vực miền núi, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Ngành tăng cường năng lực, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, trang thiết bị cơ bản, đầy mạnh quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã.
Bên cạnh đó, ngành chú trọng đào tạo theo vị trí việc làm, thu hút và duy trì nguồn nhân lực y tế cơ sở, tăng cường chuyển giao kỹ thuật (trực tiếp, từ xa), luân phiên theo hai chiều (từ dưới lên trên, trên xuống dưới). Định hình nhóm nhân lực y tế thực hiện đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế xã (không chỉ nhân viên cơ hữu mà cả luân phiên, từ xa).
Phát triển mạnh dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, tỉnh Phú Thọ đã đạt được mục tiêu nâng nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt, với cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, đội ngũ thầy thuốc có cơ hội được tiếp cận với phương tiện hiện đại và công nghệ tiên tiến, được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn để sử dụng hiệu quả các trang thiết bị, chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh được nâng lên rõ rệt.
Tại một số bệnh viện, nhiều kỹ thuật mới được triển khai áp dụng thành công. Điển hình là bệnh viện, tung tâm y tế huyện đã triển khai được phẫu thuật cấp cứu ngoại khoa, sản khoa, hồi sức cấp cứu, phẫu thuật nội soi với chất lượng không ngừng được nâng lên. Các bệnh viện đa khoa đã triển khai đơn nguyên sơ sinh, khả năng chăm sóc, điều trị được một số bệnh lý trẻ sơ sinh như vàng da bệnh lý, trẻ đẻ non...
100% các bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã thực hiện được các kỹ thuật theo phân tuyến và thực hiện được trên 15% kỹ thuật của tuyến trên. 277/277 trạm y tế tuyến xã, phường thực hiện đầy đủ kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế. Một số trạm y tế thực hiện được kỹ thuật với vai trò là Phòng khám đa khoa khu vực của bệnh viện huyện, từ đó chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh được nâng lên rõ rệt.
Tỉnh Phú Thọ triển khai thống nhất một phần mềm quản lý tại trạm y tế. 100% trạm y tế xã tham gia khám, chữa bệnh cho người dân có thẻ bảo hiểm y tế và kết nối dữ liệu liên thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Trong năm 2020, tỉnh đã triển khai thành công hệ thống Telemedicin hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa tại các trạm y tế tuyến xã (kết nối từ xã đến Trung tâm Y tế huyện, từ huyện - tỉnh - Trung ương), từ đó góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân ngay tại tuyến cơ sở. Tỷ lệ hồ sơ sức khỏe cá nhân được khởi tạo đạt 99,6% dân số, tiếp tục được làm giầu dữ liệu; 8/17 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh đã triển khai bệnh án điện tử; 100% cơ sở y tế triển khai thống kê diện tử và quản lý nhân lực bằng phần mềm của Bộ Y tế.