Việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), hưởng các dịch vụ y tế thuận tiện ngay tại các trạm y tế giúp người dân dần tin tưởng vào y tế cơ sở, giảm tải cho tuyến trên.
Lấy được lòng người dân
Buổi chiều tại trạm y tế xã Tân Hội (huyện Đan Phượng, Hà Nội), khác với hình dung của chúng tôi về công việc tại các trạm y tế là nhàn, ít việc; các y bác sĩ ở đây sau khi tất bật với buổi tiêm chủng định kỳ vẫn tất bật đón tiếp và khám bệnh cho người dân.
Trong phòng siêu âm, BS. Trần Thị Mai Hương, Trạm trưởng trạm y tế xã Tân Hội vẫn đang chăm chú khám, tư vấn cho một sản phụ đến kiểm tra thai kỳ. Câu chuyện khá rôm rả bởi bác sĩ đã nắm và gần như “thuộc” hết các gia đình trong xã. Vừa kiểm tra, thông báo các thông số của thai nhi, BS. Hương vừa hỏi han tình trạng sản phụ và tư vấn cách ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
Khám xong cho sản phụ, chưa kịp ngơi tay, BS. Hương lại vội đón tiếp sơ cứu cho một học sinh được thâỳ giáo đưa tới vì bị chấn thương ở đầu do ngã trong giờ ra chơi.
Các bệnh nhân tới đây đều tham gia BHYT và được chi trả các chi phí khám, điều trị.
Dường như, người dân ở đây quen với việc có vấn đề gì về sức khoẻ đều tìm ra trạm y tế. Là một trong những trạm y tế điểm của Hà Nội, trạm Tân Hội đã góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trong xã, thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân tin tưởng đến khám chữa bệnh. Nhất là từ khi tại trạm y tế đã được BHYT mở rộng thanh toán thêm các danh mục kỹ thuật, thuốc chữa bệnh.
BS. Trần Thị Mai Hương cho biết: “Từ khi áp dụng mô hình trạm y tế điểm, số lượt khám bệnh tại Trạm đã tăng đáng kể. Cụ thể, trong năm 2019, Trạm đã khám cho trêm 10.000 lượt người bệnh, tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đó. Nhất là 2 bệnh tăng huyết áp và tiểu đường, đến nay chúng tôi đã quản lý điều trị, cấp thuốc cho 597 bệnh nhân tăng huyết áp và 145 bệnh nhân tiểu đường. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, số bệnh nhân tăng huyết áp và tiểu đường tăng hơn năm 2019. Đây là minh chứng chúng tôi giữ được bệnh nhân tại trạm. Lý do tạo được niềm tin nơi người dân là chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, hiệu quả điều trị cao và đặc biệt là người dân được đi khám, điều trị ở nơi gần nhất, được BHYT thanh toán toàn bộ chi phí”.
Theo đó, hiện Sở Y tế Hà Nội đã phê duyệt gần 1.100 danh mục kỹ thuật, trong đó có hơn 400 danh mục vượt tuyến cho trạm y tế xã Tân Hội. Danh mục thuốc đã và đang sử dụng có 140 loại thuốc, trong đó có 7 loại thuốc tăng huyết áp và 4 loại thuốc đái tháo đường.
Còn tại Trạm y tế xã Minh Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội) cũng là một trong các trạm y tế điểm của Hà Nội có 9 cán bộ y tế, cơ sở vật chất khang trang với 20 phòng chức năng phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.
Theo Trạm trưởng Trạm y tế xã Minh Châu Lê Thị Lộc, từ khi áp dụng mô hình trạm y tế điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, người dân đã yên tâm hơn và tin tưởng tới khám bệnh tại trạm y tế xã. Trung bình mỗi tháng trạm tiếp nhận khoảng 400 lượt khám chữa bệnh, tăng cao so với trước đây khi chưa áp dụng mô hình (trước đây trung bình khoảng 200 lượt/tháng).
Trạm y tế xã Minh Châu đã thực hiện đạt trên 80% tổng số dịch vụ kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế cơ bản; trong đó các bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, trạm y tế đã tổ chức khám sàng lọc và quản lý bệnh cho người dân từ 40 tuổi trở lên, đạt trên 92%.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố đã triển khai được 177 trạm y tế điểm; tích luỹ từ năm 2019 nay, toàn thành phố đã triển khai được 456 trạm y tế điểm (đạt 95,19%). Các trạm y tế này được đầu tư toàn diện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế và đào tạo nhân lực. Nhờ đó, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở, chú trọng ngay từ công tác phòng bệnh.
Thống kê cho thấy, tổng số lượt khám chữa bệnh tại các trạm y tế này trong 8 tháng đầu năm 2020 là hơn 900.000 lượt người, số lượt khám trung bình tại 1 trạm y tế là 248 lượt/tháng.
Theo các chuyên gia, y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế, nếu làm tốt sẽ đáp ứng 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông thường của người dân. Trạm y tế có nhiệm vụ cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung ứng thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe cộng đồng...
Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 90% dân số sẽ được quản lý sức khỏe, 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; Năm 2030, hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe, 100% trạm y tế dự phòng, quản lý, điều trị một số một số bệnh không lây nhiễm. Đây là mục tiêu cần sự nỗ lực không nhỏ, trong đó có vai trò của mở rộng chi trả BHYT tại tuyến y tế cơ sở, để người dân được hưởng quyền lợi thuận tiện nhất.
Sử dụng hiệu quả BHYT
Theo BS. Trần Thị Mai Hương, khó khăn lớn mà các trạm y tế đang gặp phải hiện nay là thiếu nhân lực, không thể thực hiện hết các danh mục kỹ thuật đã được cho phép; trong khi đó, các trạm y tế vẫn chưa thu hút được các bác sỹ tự nguyện về công tác. Bên cạnh đó, việc khám, tư vấn phát hiện sớm bệnh cho những người có yếu tố nguy cơ chưa được thực hiện rộng rãi vì chưa được BHYT chi trả, công tác thanh toán BHYT vẫn còn khó khăn, các danh mục kỹ thuật mới chỉ được hưởng 70%. Nếu các vấn đề này được giải quyết, người dân được quản lý và điều trị các bệnh cơ bản ngay tại trạm y tế, sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ chuyển tuyến lên tuyến trên.
Theo Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, để nâng cao chất lượng của y tế cơ sở, Bộ Y tế sẽ từng bước đổi mới về phương thức chi trả; ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp khả năng chi trả của BHYT và ngân sách nhà nước.
Hiện Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh, thành phố, theo 3 vùng (trong đó có 3 xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh) để triển khai và rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh trong quá trình nhân rộng. Trong đó, chủ yếu là đổi mới hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, từng bước phấn đấu thực hiện mục tiêu mọi người đều được theo dõi, tư vấn, khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm, mục tiêu 90% dân số vào năm 2020 và 100% dân số vào năm 2025 được quản lý sức khỏe; quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, trước mắt là các bệnh huyết áp, đái tháo đường, tim mạch tại trạm y tế xã. Về dược và y dược cổ truyền, Bộ Y tế cũng tập trung vào xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại trạm y tế phù hợp với trình độ, khả năng chuyên môn và cung cấp đầy đủ thuốc theo danh mục để trạm y tế xã có thuốc phục vụ người bệnh.
Bên cạnh đó, việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mãn tính như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, HIV/AIDS, lao… tại các trạm y tế xã là một trong những chính sách ưu tiên, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí đi lại, tăng tính tuân thủ điều trị của người bệnh.
Clip BS. Trần Thị Mai Hương chia sẻ về tình hình khám chữa bệnh tại trạm y tế:
Để nâng cao chất lượng điều trị tại trạm y tế xã, tạo điều kiện cho người bệnh tham gia BHYT, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BYT về Ban hành danh mục và tỷ lệ điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, đã bổ sung mới 61 thuốc thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, phù hợp với sự phát triển khoa học của công nghiệp dược; bổ sung dạng dùng của 6 thuốc, mở rộng tuyến sử dụng của 69 thuốc, mở rộng điều kiện thanh toán 10 thuốc, tăng tỷ lệ thanh toán 6 thuốc nhằm tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ BHYT tăng cường tiếp cận thuốc điều trị tại tuyến y tế cơ sở.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để tăng cường khám chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế xã thời gian tới, ngành y tế cần tập trung vào đổi mới cơ chế chi trả khám chữa bệnh BHYT như: Không quy định tỷ lệ quỹ BHYT được sử dụng tại trạm y tế xã, triển khai thanh toán theo định suất, ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã, tăng cường quản lý, điều trị các bệnh mãn tính, nhất là các trường hợp đã được chẩn đoán ở tuyến trên và thực hiện theo đúng phác đồ điều trị, đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của trạm y tế xã theo mô hình chuẩn, đồng thời xây dựng thống nhất 1 phần mềm áp dụng tại trạm y tế xã đảm bảo quản lý thông tin các hoạt động chuyên môn với quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân.
Bài, clip: Tạ Nguyên
Ảnh: BS
Trình bày: Tạ Nguyên
08/11/2020 06:15