Với những người mắc bệnh về máu phải điều trị suốt đời, chi phí vô cùng tốn kém như: Thalassmia, Hemophilia… tấm thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) như chiếc “phao cứu sinh” để bệnh nhân được tiếp tục sống. Bởi với chi phí điều trị cao như các căn bệnh này, nếu phải tự bỏ tiền túi chắc chắn đa số bệnh nhân nghèo sẽ phải bỏ cuộc.
Cứu tinh của bệnh nhân nghèo
Buổi chiều tại khoa Nhi-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, không khí trong phòng bệnh khá ảm đạm trong tiết trời mưa gió. Những đứa trẻ mắc bệnh Thalassmia (tan máu bẩm sinh) da dẻ vàng vọt, xanh xao, có cháu mặt đã bắt đầu biến dạng; có cháu quấy khóc, có cháu hồn nhiên hơn vừa nằm truyền máu vừa chơi điện thoại như chưa biết đến căn bệnh của mình… Chúng tôi thấy trong đôi mắt của bố mẹ chúng đượm nỗi buồn vì bệnh tật, hoàn cảnh và sốt ruột vì những ngày dài nằm viện của con.
Tay bế dỗ dành con nhỏ hơn 2 tuổi đang mắc bệnh, chị Trần Thị Hoa (ở Lạc Thuỷ, Hoà Bình) rơm rớm nước mắt: “Khi mới được 18 tháng tuổi, cháu nhà tôi bỗng bị một trận ho, sốt dai dẳng tự điều trị ở nhà mãi không khỏi nên gia đình tôi cho cháu đi bệnh viện khám thì phát hiện cháu bị bênh tan máu bẩm sinh. Khi nghe bác sĩ nói cháu mắc bệnh này tôi như suy sụp vì trước đó chưa ai trong gia đình từng biết đến căn bệnh này và cũng nghĩ đến cảnh con phải điều trị suốt đời, chi phí đâu để lo cho cháu”.
Hoàn cảnh khó khăn, mỗi tháng con chị lại phải nằm viện gần 1 tuần là gánh nặng rất lớn với gia đình. Cũng vì nghèo nên nên vợ chồng chị chưa dám nghĩ tới chuyện sinh thêm con.
Sinh sống ở vùng quê nghèo, mấy năm nay liên tục đưa con đi chữa bệnh, gia đình anh Quách Công Trí (ở Kim Bôi, Hoà Bình) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Anh cho biết: “Năm cháu 2 tuổi, thấy cháu ngày càng xanh xao, nhợt nhạt nên tôi cho cháu đi khám tại bệnh viện tuyến huyện thì phát hiện bệnh và được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Hoà Bình để được truyền máu. Từ đó đến nay cháu vẫn phải đều đặn lên bệnh viện truyền máu để thanh thải sắt. Từ khi cháu bị bệnh, bố mẹ làm được bao nhiêu đều tập trung lo điều trị cho cháu”.
Với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn, chi phí khám chữa bệnh là nỗi lo rất lớn với họ, và hầu hết họ đều tham gia BHYT để được bớt đi “gánh nặng” này.
“Rất may chi phí điều trị, truyền máu, thanh thải sắt định kỳ cho cháu đều được BHYT chi trả hết, nếu không chắc gia đình tôi kiệt quệ vì thời gian cháu nằm viện dài, tôi cũng không làm được gì. Mỗi lần đến bệnh viện gia đình chỉ phải lo tiền đi lại, tiền ăn; hầu như gia đình không phải lo lắng đến chi phí truyền máu, điều trị mỗi lần nằm viện”, chị Hoa chia sẻ.
BS Đặng Vũ Minh Huyền, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình cho biết: “Với bệnh Thalassmia ở những bệnh nhân mới phát bệnh thể nhẹ thường phải điều trị 3-6 tháng/lần; chưa kể đa phần các bệnh nhân đều ở thể nặng, phải đi truyền máu định kỳ, bệnh nhân còn dễ mắc phải các biến chứng như: Quá tải sắt, suy tim… phải điều trị thêm dự phòng suy tim tim, điều trị suy tim. Trước đây các bệnh nhân phải mất một số phí liên quan đến truyền máu nhưng hiện theo chính sách của BHYT, đa số các gia đình bệnh nhân đều là hộ nghèo, được BHYT thanh toán 100% nên bệnh nhân cũng có điều kiện để tuân thủ điều trị hơn”.
Đó là chưa kể đến những căn bệnh chi phí còn rất cao, thậm chí lên tới tiền tỷ mỗi lần điều trị như căn bệnh chảy máu Hemophilia. Đến Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương mới thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của những người mắc căn bệnh “tiền tỷ” đang điều trị ở đây.
Gắn bó với Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương từ năm 1983 tới nay, những người như bệnh nhân Phạm Viết Thông (ở Xuân Trường Nam Định) hiểu rõ giá trị của tấm thẻ BHYT nhất.
“Tôi phát hiện bệnh từ khoảng năm 1983, trong một lần bị tai nạn, chảy máu ở tay nhưng điều trị ở tuyến dưới không khỏi, tôi được giới thiệu lên Bệnh viện Bạch Mai và phát hiện bệnh Hemophilia rồi điều trị liên tục từ đó tới nay. Thời gian đầu chưa có BHYT, mỗi lần tái phát đi điều trị là vô cùng tốn kém nên tôi ít đến bệnh viện, chỉ khi nào nặng quá mới đi nên tôi rất yếu, đau đớn. Nhưng từ ngày có BHYT chi trả, cứ đau là tôi đi điều trị, gia đình cũng phải không lo tiền thuốc thang nằm viện. Mỗi lần điều trị của tôi rất tốn kém, như đợt gần đây nhất hết 127 triệu, đợt nào bệnh nhẹ cũng tầm 30-40 triệu, trong khi mỗi năm tôi điều trị khoảng 6 đợt như thế”, bệnh nhân Phạm Viết Thông kể.
Với những bệnh nhân nặng như ông Thông và những người phải điều trị thường xuyên, ngoài được chi trả tiền viện phí ra, nhờ có BHYT, họ còn có điều kiện để tiếp cận được với các dịch vụ y tế công nghệ cao, các loại thuốc đắt tiền mà không lo tốn kém. BHYT đã là “phao cứu sinh” để họ có thể tiếp tục duy trì cuộc sống.
Mỗi người nên có trong tay tấm thẻ BHYT
Với các bệnh nhân mắc bệnh về máu, chi phí điều trị tốn kém kéo dài suốt đời, tấm thẻ BHYT là cơ hội để họ duy trì cuộc sống và sống khoẻ mạnh.
TS.BS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Việt Huyết học- Truyền máu Trung ương cho biết: “Với bệnh nhân Hemophilia, nhất là bệnh nhân thể nặng, để giảm thiểu các biến chứng do chảy máu gây ra, giảm các nguy cơ biến chứng lâu dài, người bệnh cần phải được điều trị định kỳ bổ sung các yếu tố đông máu thiếu hụt để hạn chế tối đa chảy máu tự nhiên. Nhất là với các trường hợp kháng thuốc, việc điều trị còn khó khăn hơn rất nhiều và chi phí cũng rất lớn. Đã có những trường hợp kháng thuốc phải sử dụng các chế phẩm thay thế “đường tắt” vô cùng đắt đỏ, tới vài trăm triệu/đợt điều trị và phải kéo dài. Trung bình mỗi đợt điều trị nhẹ nhàng của bệnh nhân cũng mất vài chục triệu, có những trường hợp còn lên tới vài trăm triệu, có trường hợp thậm chí lên tới cả tỷ đồng/đợt diều trị. Có thể khẳng định, nếu không có BHYT thì nhưng bệnh nhân mắc bệnh nặng về máu không thể sống được, vì các chi phí quá lớn mà điều trị kéo dài như vậy, không gia đình nào có thể tự gánh vác. Nhờ chính sách ưu việt của BHYT, người bệnh của chúng tôi đã được tiếp cận với điều trị, hoà nhập được vào cuộc sống”.
Cũng theo TS.BS Nguyễn Thị Mai, quá trình điều trị cho các bệnh nhân cho thấy không phải chỉ những bệnh nhân mắc bệnh mới cần BHYT mà tất cả người dân trong xã hội đều cần. Người bình thường sẽ không biết được có thể khoẻ mạnh đến lúc nào, khi nào ốm đau. Nếu không may bị bệnh mới đi mua BHYT thì sẽ không thể kịp thời trong việc chữa trị cho mình. Bên cạnh đó, khi người dân mua BHYT cũng là đóng góp được một phần rất nhỏ để hỗ trợ cho những người không may bị bệnh có thể được hưởng quyền lơi. Bởi nếu có nhiều người tham gia thì BHYT cũng sẽ có nguồn lợi, giúp nâng cao chất lượng điều trị cho những người mắc bệnh. Vì vậy tất cả người dân đều nên mua BHYT để có dự phòng cho mình và hỗ trợ những người khác.
“Hiện nay gần như tất cả các bệnh lý về máu đã được BHYT chi trả. Chúng tôi cũng mong muốn BHYT cũng phối hợp với các bác sĩ để tìm ra được tiếng nói chung trong việc sử dụng nguồn lực đó cho hiệu quả và bác sĩ cũng chủ động trong sử dụng nguồn lực này một cách hiệu quả, giúp việc điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất”, TS.BS Nguyễn Thị Mai chia sẻ.
Thời gian qua, BHYT đã thể hiện ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, là một chính sách an sinh xã hội rất hữu hiệu đối với người dân, nhất là với những người có thu nhập thấp. BHYT càng thể hiện rõ hơn hiệu quả kinh tế đối với những người bệnh nghèo…
Có thẻ BHYT, người dân sẽ được quỹ BHYT chi trả khi không may ốm đau, bệnh tật, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đối với hộ nghèo và cận nghèo, việc khám, điều trị bệnh tốn kém, thẻ BHYT giúp san sẻ gánh nặng khi họ không may ốm đau, bệnh tật.
Đặc biệt, thời gian qua, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT cũng giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được quỹ BHYT chi trả khi người dân khám chữa bệnh đúng tuyến.
Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, người tham gia BHYT được khám chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu, nghèo; giúp đối tượng nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình.
Bài, ảnh: Tạ Nguyên
Trình bày: Tạ Nguyên
Clip: Trung Nguyên
16/09/2020 02:48