Đại dịch COVID-19 và thử thách việc làm với làm thanh niên

Sáng 30/3 tại Diễn dàn Chính sách quốc gia đối với thanh niên năm 2022, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 là thử thách với thị trường lao động trẻ.

Thử thách kép  

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, thời gian gần đây, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức và bất ổn khó lường, khó dự báo, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hoạch định chính sách và phát triển chung trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Các thách thức đó đến từ nhiều nguyên nhân, song không thể không nói đến tác động mạnh mẽ của sự bùng phát đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có thể coi đây là “Thử thách kép” đối với thị trường lao động toàn cầu: Vừa gây đứt gãy thị trường lao động trẻ, vừa đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm và đào tạo nghề, nhằm thích ứng với những điều chỉnh mang tính cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu.  

Chú thích ảnh
Các đại biểu trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đến năm 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng, tay nghề.

Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt. Qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, thanh niên luôn là lực lượng nhạy bén trong điều chỉnh, đổi mới chính mình, thích ứng, thích nghi nhanh chóng để phát triển nhanh và bền vững hơn. Do vậy, dù là trong bối cảnh nào, thử thách nào, chúng ta vẫn luôn tin tưởng thanh niên sẽ phát huy tinh thần lạc quan, chủ động thay đổi tư duy, cách thức làm việc, biến “nguy” thành “cơ” để đối diện với thời cuộc một cách chủ động nhất”.  

Diễn đàn chính sách quốc gia về thanh niên Việt Nam là hoạt động tiếp nối những nỗ lực và ưu tiên của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam trong chủ trương duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp, cho người dân nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng.  

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá: “Tỷ lệ thanh niên có kỹ năng nghề chỉ chiếm 19% so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 24,1%. Lao động trong thanh niên chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là thanh niên nông thôn chưa tiếp cận được nhiều thông tin đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo còn hạn chế. Cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý về trình độ, ngành nghề, vùng miền, tâm lý thanh niên; một số ngành nghề, kỹ năng của người học chưa phù hợp hoặc chưa đáp ứng với nhu cầu kỹ năng của người sử dụng lao động”.

Do tác động nặng nề của dịch COVID-19 dẫn đến nhiều thanh niên mất việc làm hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54% so với năm 2020. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều đột phá về công nghệ dẫn tới chuyển dịch cơ cấu lao động, các hệ thống tự động dần thay thế lao động thủ công, ảnh hưởng đến việc làm của lao động kỹ năng...

Cần có sự gắn kết giữa các bên  

PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục và Quản lý kinh tế đặt vấn đề, Đoàn thanh niên có nhiều mô hình gắn kết đào tạo việc làm cho thanh niên và cần nhân rộng mô hình này. Đặc biệt, trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 càng cần thiết, muốn tạo việc làm cho thanh niên rất cần vai trò của doanh nghiệp.  

"Đoàn Thanh niên và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần hợp tác để đào tạo nghề, đừng để lao động trẻ trở về lao động phi chính thức. Đây là thách thức với thị trường lao động nước ta”, PGS. TS Mạc Văn Tiến chia sẻ.

Ở khía cạnh của doanh nghiệp, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, việc đào tạo nghề là do sự chủ động của mỗi doanh nghiệp và có sự liên kết. Chẳng hạn, tại Sacombank, các chương trình liên kết đào tạo nghề cho người lao động được thực hiện từ những năm đầu tiên ở trường đại học. Từ năm thứ 3, sinh viên có thể đi làm và có thu nhập. Sau khi tốt nghiệp, đây là nguồn lao động tiềm năng cho ngân hàng. Sacombank đã có sự chuẩn hoá mô hình đào tạo, thiết lập cộng đồng học tập.  

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu và có những giải pháp hiệu quả, chuyển các ý tưởng, lời nói thành hành động, kết quả, hiệu quả cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện thật tốt và giám sát thực hiện về đào tạo nghề cho thanh niên; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, những chính sách đột phá để đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị.  

Lê Vân/Báo Tin tức
Khai mạc Diễn đàn chính sách quốc gia về đào tạo nghề cho thanh niên
Khai mạc Diễn đàn chính sách quốc gia về đào tạo nghề cho thanh niên

Sáng 30/3/2022, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức Diễn đàn chính sách quốc gia về đào tạo tạo nghề cho thanh niên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN