Qua tổng hợp nhanh từ các địa phương, có 2.089 người mãn hạn tù có nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách với tổng số tiền 138 tỷ đồng.
Trước khi Quyết định số 22/2023 có hiệu lực, NHCSXH cũng đã cho vay được hơn 9,3 tỷ đồng với 191 người chấp hành xong án phạt tù để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh.
Quyết định số 22/2023 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 17/8/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10, bao gồm 16 Điều và 02 mẫu biểu. Trong đó quy định rõ về đối tượng thụ hưởng, điều kiện vay vốn, phương thức cho vay, mức vốn vay, thời hạn vay vốn, lãi suất cho vay... và nguồn vốn cho vay để thực hiện Quyết định.
Việc quy định các nguồn vốn để bố trí cho vay theo Quyết định số 22/2023, thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó có nguồn vốn từ ngân sách địa phương hằng năm ủy thác qua NHCSXH để cho vay. Thực hiện nội dung này cũng chính là góp phần thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Tái hòa nhập cộng đồng là một chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo điều kiện giúp người chấp hành xong án phạt tù sớm trở thành công dân có ích cho xã hội, hạn chế tái phạm tội, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo Quyết định số 22/2023, đối tượng vay vốn gồm người chấp hành xong án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Quyết định nêu rõ điều kiện vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội; cơ sở sản xuất kinh doanh được thành lập và hoạt động hợp pháp, sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù và có phương án vay vốn.
Mục đích sử dụng vốn vay dành cho chi phí việc học tập, sinh hoạt của người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chi phí này bao gồm: Học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập; chi phí ăn, ở, đi lại. Đối với vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm: Chi phí để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm gồm chi phí cho việc thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.
Đối với người chấp hành xong án phạt tù, phương thức cho vay được thực hiện thông qua hộ gia đình; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện theo phương thức cho vay trực tiếp.
Mức vốn cho vay tối đa để đào tạo nghề là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù; đối với vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù; mức vốn cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất kinh doanh là 2 tỉ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Chiều nay 12/10 sẽ diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù do Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức.