Cứu sống sản phụ bị nhau cài răng lược xâm lấn bàng quang

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công, cứu sống một sản phụ bị nhau cài răng lược xâm lấn bàng quang.

Trước đó, ngày 15/2, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân N. T. O (sinh năm 1980, ngụ tại thành phố Cần Thơ) đang mang thai thai 33 tuần, ngôi ngang, nhau tiền đạo trung tâm, đa ối, vết mổ cũ. Đến ngày 22/2, bệnh nhân O được hội chẩn bệnh viện, chấm dứt thai kỳ với chẩn đoán thai 34 tuần, ngôi ngang, đa ối, nhau tiền đạo trung tâm, nhau cài răng lược xâm lấn bàng quang, vết mổ cũ, thiếu máu.

Các bác sĩ nhận định, nếu không được phẫu thuật kịp thời, mẹ con sản phụ có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Với sự hỗ trợ của ekip bác sĩ đến từ Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, ê kíp phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật lấy thai cho bệnh nhân. Các bác sĩ phải tiến hành thắt động mạch hạ vị, cắt tử cung hoàn toàn. Ca phẫu thuật đã thành công sau hơn 2 giờ phẫu thuật, cả hai mẹ con sản phụ đều khỏe mạnh, sản phụ sinh bé trai cân nặng 3.100g, khóc tốt.

Bác sĩ chuyên khoa 2 - Huỳnh Thanh Liêm, Trưởng Khoa Sanh, Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ người tham gia ê kíp phẫu thuật cho biết, trường hợp của sản phụ O là một trong những trường hợp bệnh nặng, nguy cơ mất máu nhiều trong phẫu thuật, rối loạn đông máu có thể dẫn đến tử vong cho mẹ bất cứ lúc nào.

Bác sĩ Liên cho biết, do bệnh nhân O bị nhau cài răng lược xâm lấn sâu vào bàng quang, mạch máu tăng sinh rất nhiều, nên kíp phẫu thuật đã gặp nhiều khó khăn trong việc cầm máu, trong phẫu thuật các bác sĩ phải truyền 6 đơn vị khối hồng cầu, 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh, hai khối tiểu cầu 4 đơn vị và 2.000 ml dịch truyền để ổn định tình trạng huyết động học cho bệnh nhân.


Theo các bác sĩ, bệnh lý nhau cài răng lược thường gặp ở các trường hợp bệnh nhân có tiền căn mổ lấy thai hay nạo hút thai nhiều lần, tỉ lệ nhau cài răng lược tăng theo số lần mổ lấy thai. Nhau cài răng lược là tình trạng bánh nhau bám chặt bất thường vào lớp cơ tử cung của thai phụ, đây là một thai kỳ nguy cơ cao cho cả mẹ và con do thai non tháng và xuất huyết nhiều trong lúc sinh. Vì vậy, việc chẩn đoán và xử trí cần phải rất thận trọng, việc phẫu thuật chỉ nên thực hiện ở các bệnh viện có đủ điều kiện, với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa và cần có các phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm...

Thanh Sang (TTXVN)
40 y, bác sỹ cứu sống một bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp
40 y, bác sỹ cứu sống một bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp

Một thai nhi 36 tuần tuổi dọa tử vong do bị tim bẩm sinh vừa được 40 y, bác sỹ của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) mổ lấy con trong bụng mẹ và đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo cứu sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN