Cuộc chiến đấu với lửa - Bài 1: Gặp những anh hùng

Trực tiếp tham gia đưa tin về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) buổi chiều 3/6/2013 ngập lửa ở cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo, tôi được chứng kiến sự quả cảm của những chiến sĩ PCCC. Khi ghi lại những đoạn phim về hành động của nhiều lực lượng tham gia phối hợp dập lửa ngày hôm ấy, tôi cũng đồng thời đã ghi lại được cả những cảnh các anh bị thương vì lửa. Một ngày như thế, tôi đã gặp những anh hùng.

 

Những người quyết chiến với lửa


Vụ cháy xe tải xăng tại cây xăng 2B đường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hôm ấy là vụ cháy có tính chất phức tạp nhất trong thời gian qua trên địa bàn Hà Nội. Điều nguy hiểm là vụ cháy có thể tạo thành “bom lửa” nếu thùng xăng và bể xăng cả nghìn lít phía dưới phát nổ. Sức nóng của mồi lửa phía trên có thể kích nổ cả kho xăng bên dưới và hậu quả sẽ khôn lường.


 

Ngăn không cho téc xăng nổ.

 

5 tiếng nỗ lực dập lửa, các chiến sĩ PCCC đã tiếp cận với téc xăng đang cháy rực. Phòng nguy cơ cháy nổ bình gas, nhiều chiến sĩ vội lao vào ngôi nhà cháy dở để vác những bình gas ra khỏi nơi nguy hiểm. Bể lửa dù đã được nỗ lực dập tắt bằng nhiều phương tiện, thiết bị nhưng cứ lắng xuống một lát, lại bùng lên rừng rực gấp nhiều lần. Đứng sát bên téc xăng vừa cháy rát bỏng các anh vẫn nỗ lực cùng đồng đội ngăn không để xăng trong téc tràn ra tránh nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại diện rộng.


Đến Bệnh viện Xanh Pôn thăm các chiến sĩ PCCC bị thương trong trận chiến với lửa một tuần sau khi vụ cháy xảy ra, tôi gặp chiến sĩ Phạm Văn Phúc (sinh năm 1991, Phòng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp quận Hoàn Kiếm) đang nằm trên giường bệnh với 2 cánh tay và khuôn mặt vẫn còn băng kín. Bị thương nặng với tỷ lệ lên tới 20%, Phúc là một trong những chiến sĩ đã cùng đồng đội tiến sát chiếc xe bồn để rút và hứng xăng khi ngọn lửa cơ bản được khống chế. Khả năng lửa có thể bắt trở lại đã được tính toán do khi đó nhiệt lượng còn cao, nhưng để một lượng lớn xăng trong bồn có thể làm gia tăng nguy cơ gây nổ và có thể khiến công tác dập cháy khó khăn hơn rất nhiều. Quyết định gấp rút được đưa ra, hơn mười chiến sĩ cùng tham gia vào đội đầu tiên đi rút xăng. Những chiến sĩ quả cảm tiến gần téc xăng nóng bỏng ấy là những anh hùng. Bất ngờ, khi rút được vài thùng xăng, ngọn lửa bùng trở lại. Lửa bắt vào xăng táp vào mặt và người khiến anh cùng nhiều đồng đội bỏng nặng.


Là một trong những chiến sĩ đầu tiên có mặt tại hiện trường vụ cháy, Phạm Văn Phúc nhớ lại những suy nghĩ của mình khi gặp vụ cháy quá lớn: “Cháy xăng bao giờ cũng là những vụ cháy nhanh, tổn thất nặng nề. Nhưng cháy cây xăng thì khả năng gây tổn thất càng lớn hơn nữa. Bản thân chúng tôi khi tiếp cận với vụ cháy cây xăng lớn như vậy đã hiểu đây là một vụ cháy rất phức tạp. Ý nghĩ trong đầu luôn là làm thế nào để dập lửa và chống cháy lan ra những khu vực lân cận”.


Nằm bên cạnh Phúc là chiến sĩ Nguyễn Văn Vượng (sinh năm 1993, Đội PCCC quận Đống Đa). Vượng cùng đội xe chi viện của Đội PCCC Đống Đa tiếp cận hiện trường vụ cháy khi lửa và khói đã cao ngút trời. Sau nhiều nỗ lực phun nước để xe téc giảm nhiệt, chờ xe bọt tới dập lửa, Vượng lại cùng những anh em quả cảm lao vào rút bớt xăng. Và cũng giống như Phúc, Vượng cũng bị bỏng nặng mặt và các vùng trên cơ thể, nơi xăng bén tới và ngọn lửa trùm lên. “Lửa ngày một lớn và rất khó để dập tắt, lúc đó chúng tôi chỉ cảm thấy lòng quyết tâm phải chiến thắng được ngọn lửa.” Và rõ ràng, đây thực sự là vụ hỏa hoạn lớn nhất, khó khống chế nhất trong quá trình làm nhiệm vụ của người chiến sĩ đã có 2 năm kinh nghiệm PCCC.


Chữa lửa không phải một ngày


Trong quá trình tham gia chữa cháy, 9 chiến sĩ PCCC và 1 người dân đã bị thương, phải đưa cấp cứu tại Bệnh viện 108, sau đó được chuyển sang điều trị tại khoa Bỏng - Bệnh viện Xanh Pôn. Trong đó có 2 chiến sĩ bị thương nặng. 9 chiến sĩ bị thương đều ở độ tuổi rất trẻ (từ 23- 25 tuổi). Và dù mới chỉ có trên dưới 2 năm trong nghề thế nhưng thành tích chữa cháy của họ cũng rất đáng nể. Và cùng với số lần tham gia chữa cháy, nhiều chiến sĩ cũng đã không ít lần phải ra vào bệnh viện vì những vết thương.


Từng tham gia chữa cháy nhiều như vụ 36 nhà gỗ ở đường Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm), cháy cửa hàng nội thất 114 Âu Cơ..., Phạm Văn Phúc khẳng định: “Tôi đã làm công tác PCCC hai năm nhưng chưa bao giờ gặp một đám cháy lớn như vậy. Trước đó, tôi cũng đã tham gia chữa cháy nhiều vụ trên địa bàn thành phố, nhưng vụ hỏa hoạn hôm qua thực sự là một nhiệm vụ khó khăn đối với các chiến sĩ”.


Trung sĩ Nguyễn Trung Thủy (Phòng Cảnh sát PCCC Đống Đa) cũng đã từng có 3 lần bị thương khi tham gia chữa cháy nhưng vết thương sau vụ cháy cây xăng 2B Trần Hưng Đạo là nặng nhất khiến anh phải nhập viện. Hạ sĩ Nguyễn Hoàng Anh (Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm) cũng vậy. Vết thương trong vụ tham gia chữa cháy tại Hàng Bồ cuối tháng 5 vừa qua chưa lành hẳn thì bây giờ, anh tiếp tục phải nhập viện vì bỏng hô hấp.


Những vết thương sau mỗi lần chữa cháy chẳng làm các anh chùn bước mà như làm dày thêm kinh nghiệm, thêm dũng cảm và quyết tâm bảo vệ cho sự bình yên của người dân. Giữ yên khói, giữ yên lửa là cũng vì cả một cộng đồng đang sống xung quanh. Và chúng ta đã thấy những anh hùng.


Đừng coi những việc làm anh hùng là điều gì quá xa vời. Những chiến sĩ PCCC là anh hùng đơn giản chỉ bởi lẽ các anh biết quên mình, biết hy sinh bản thân vì cái chung. Và mỗi ngày trên những trận địa lửa, sẽ vẫn còn những người anh hùng thầm lặng đang nỗ lực để trị “bà hỏa”, giữ bình yên cho nhân dân.

 


Bài và ảnh: Lê Sơn


Bài 2: Tất cả để chiến thắng

Biểu dương lực lượng chữa cháy cây xăng Quân đội
Biểu dương lực lượng chữa cháy cây xăng Quân đội

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo hôm nay biểu dương các lực lượng đã nhanh chóng, kịp thời triển khai các phương án dập tắt đám cháy, hạn chế được thiệt hại về người và tài sản trong vụ cháy trạm xăng dầu số 9, thuộc Tổng công ty xăng dầu quân đội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN