Ba năm đã qua, người dân từ kỳ vọng đến thất vọng. . .
Ngày 12/2/2017, người dân thị trấn Dầu Giây rất vui mừng khi chứng kiến sự kiện khởi công công trình xây dựng cầu vượt Dầu Giây. Đây là công trình cầu vượt nối Quốc lộ 1A và Quốc lộ 20, đoạn qua ngã tư thị trấn Dầu Giây của huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, là dự án trọng điểm, với kỳ vọng giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông Bắc Nam trên tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 1A khi qua khu vực này.
Mặc dù UBND huyện Thống Nhất đã bàn giao 100% mặt bằng thi công cho chủ đầu tư nhưng ghi nhận tại hiện trường cho thấy đến nay phần cầu chính đã thi công hoàn thành từ mố M1 đến trụ T6, còn lại các trụ T7, T8, T9 và mố M2 vẫn chưa thấy đơn vị triển khai. Nhà thầu thi công đã hoàn thành cơ bản các nhánh rẽ và phần mở rộng mặt đường, xong phần mở rộng mặt đường bên trái tuyến đoạn từ ngã tư Dầu Giây về hướng thành phố Biên Hòa vẫn chưa thi công xong. Mặc khác, nhà thầu đang thi công hệ thống thoát nước dọc thuộc phần mở rộng mặt đường bên trái tuyến, đoạn từ ngã tư Dầu Giây về hướng thành phố Biên Hòa (từ ngày 12/8/2020 đến ngày 19/9/2020) thì tạm dừng thi công không rõ lý do.
Người dân sinh sống ở ngã tư Dầu Giây cho biết, nhà thầu ngưng thi công khiến việc lưu thông tại khu vực công trình cầu vượt ngã tư Dầu Giây bị hạn chế. Mặt khác, các biện pháp phân làn, tổ chức giao thông không được đơn vị thi công thực hiện nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, không đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện vào giờ cao điểm và các ngày cuối tuần. Công tác duy tu, sửa chữa lại mặt đường tại khu vực nút giao cầu vượt Dầu Giây hầu như không được nhà đầu tư và đơn vị thi công quan tâm thực hiện. Mặt đường xuống cấp trầm trọng, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông qua khu vực.
Tính đến ngày 20/11/2020, qua khảo sát thực tế tại hiện trường ở khu vực thi công cầu vượt ngã tư Dầu Giây, phóng viên nhận thấy, việc thi công, phân luồng, hướng dẫn giao thông, bố trí hệ thống báo hiệu đường bộ chưa hợp lý, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông cao. Điển hình, ngày 30/10/2020, tại công trình cầu vượt Dầu Giây đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở điểm đầu cầu vượt, làm hư hỏng (cháy) một đầu kéo biển kiểm soát 15C-122.08 và gây ùn tắc giao thông cục bộ.
Đối với phần mở rộng mặt bằng đường bên trái tuyến, đoạn từ ngã tư Dầu Giây hướng về thành phố Biên Hòa, tuy đã triển khai đào lắp cống thoát nước nhưng do nhà thầu chưa hoàn trả lại nền mặt đường hoàn chỉnh gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường khi trời mưa và việc đi lại, buôn bán của các hộ dân sống xung quanh công trình.
Mặt khác, việc đấu nối hệ thống thoát nước tại các đường nhánh giao nhau với tuyến Quốc lộ 1A chưa được thực hiện nên mỗi khi có mưa tại khu vực công trình thi công cầu vượt Dầu Giây thường xuyên bị ngập úng, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông khi lưu thông từ đường nhánh ra Quốc lộ 1A.
Ông Trần Văn Tạo, chủ quán ăn ở ngã tư khu vực thi công công trình cầu vượt Dầu Giây cho biết, gia đình ông buôn bán ở đây đã nhiều năm. Tuy nhiên, khi công trình này thi công khiến việc buôn bán của gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Trời nắng thì bụi bay từ ngoài đường bám đầy vào các vật dụng trong quán, trời mưa đường ngập nước tràn vào sâu trong nhà. Ông mong muốn công trình sớm hoàn thành để ổn định cuộc sống.
Cần sớm đẩy nhanh tiến độ thi công
Ghi nhận của phóng viên TTXVN ngày 20/11, tại khu vực thi công công trình cầu vượt Dầu Giây chỉ có một nam công nhân lớn tuổi đang làm nhiệm vụ trực an toàn thi công của công trình này. Nam công nhân lớn tuổi cho biết: Nhiều tháng nay, công ty không trả lương nên công nhân nghỉ làm để chờ lương.
Không gặp được người có trách nhiệm của đơn vị thi công, phóng viên đã tìm đến Ủy ban nhân dân huyện Thống Nhất. Trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết, khi làm dự án đầu tư xây dựng, khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng phục vụ dự án bauxite ở Lâm Đồng còn dư kinh phí nên Bộ Giao thông Vận tải xin Thủ tướng Chính phủ cho làm cầu vượt Dầu Giây để giải tỏa ách tắc giao thông trên Quốc lộ 1A và Quốc lộ 20. Khi được Thủ tướng chấp thuận, công trình cầu vượt Dầu Giây với kinh phí gần 300 tỷ đồng được khởi công vào đầu năm 2017, dự kiến sau một năm sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay công trình này đang tạm ngừng thi công, gây bức xúc cho người dân sống xung quanh, tiềm ẩn tai nạn giao thông cao.
Theo lãnh đạo UBND huyện Thống Nhất, nguyên nhân chậm trễ do chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải không cấp đủ vốn cho nhà thầu nên việc thi công theo kiểu cấp tiền đến đâu thi công đến đó. Như vậy, có thể hiểu công trình này thi công theo kiểu xây dần, có tiền đến đâu xây đến đó. Tình trạng này đã diễn ra nhiều lần, từ lãnh đạo huyện Thống Nhất đến lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai liên tục làm việc, có ý kiến và gửi nhiều văn bản hối thúc chủ đầu tư, nhà thầu thi công nhưng vẫn chưa có kết quả.
Theo lãnh đạo huyện Thống Nhất, vấn đề mấu chốt ở đây là thiếu vốn cho công trình. Khi biết được điều này, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận sẽ cho ứng kinh phí để đẩy nhanh tiến độ nhưng không thấy phía chủ đầu tư hồi âm.
Công trình cầu vượt Dầu Giây được xây dựng dọc theo Quốc lộ 1A, cầu có 10 nhịp, mỗi nhịp dài 34,6 mét, chiều rộng 16 mét, gồm 4 làn xe. Phần nút giao được mở rộng cả trên Quốc lộ 1A và Quốc lộ 20, mở rộng các bán kính đảm bảo tốc độ cho xe đi với 60 km/giờ. Bên cạnh việc xây cầu vượt, nhà đầu tư còn mở rộng Quốc lộ 20 đoạn qua huyện Thống Nhất, Đồng Nai dài 1,5 km tính từ nút giao Dầu Giây về hướng Đà Lạt. Phần đường này sẽ được mở rộng với chiều rộng 20,5 mét, với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, đồng thời xây dựng mương thoát nước dọc 2 bên và có dải phân cách ở giữa đường.Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là gần 300 tỷ đồng, bằng nguồn vốn dư thuộc dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Dầu Giây (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng)
Trên bảng thông tin dự án ghi rất rõ: Dự án đầu tư công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn KM0-00-KM123+105,17 trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao BT. Hạng mục: Xây dựng nút giao Dầu Giây và mở rộng đoạn tuyến KM0+300-KM1+877 QL20. Nhà đầu tư là Công ty cổ phần BT20-Cửu Long. Đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ban quản lý dự án 7 (thuộc Bộ Giao thông Vận tải). Tư vấn giám sát là Phân viện khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam. Nhà thầu thi công là Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thương mại sản xuất xây dựng Đông Mê Công.
Đáng chú ý, bảng thông tin dự án để trống ngày khởi công và ngày hoàn thành. Phải chăng chính chủ đầu tư không muốn nhớ đến ngày khởi công và không quan tâm đến ngày nào sẽ hoàn thành công trình? Còn người dân, chính quyền địa phương đang mong chờ công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng để giải tỏa ách tắc giao thông như mục đích xây dựng ban đầu và sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân.