Trước tình hình đó, các cấp công đoàn đã chăm lo cho người lao động với nhiều hoạt động thiết thực, bảo đảm an toàn cho công nhân, lao động ổn định cuộc sống, công việc và thu nhập.
Dốc lòng vì đoàn viên công đoàn, người lao động
Tính đến ngày 1/5/2021, diễn biến của dịch COVID-19 đang rất phức tạp, khó lường. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện tới hoạt động sản xuất, đời sống, và có thể kéo dài khó dự đoán chính xác thời điểm kết thúc.
Trước tình hình đó, đoàn viên công đoàn, người lao động và các cấp, các ngành và toàn xã hội đã vượt mọi khó khăn, nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Tại nhiều địa phương, các cấp công đoàn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực ủng hộ hỗ trợ, động viên và chăm lo cho đời sống công nhân.
Vừa qua, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1921/QĐ-TLĐ về việc chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thiên tai năm 2020.
Theo đó, đối tượng hỗ trợ là đoàn viên, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và thiên tai năm 2020; mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người. Trường hợp đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, thiên tai, mức hỗ trợ tối đa không quá 2 triệu đồng/người.
Ngay trong những ngày đầu năm 2021, các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động như "Tết sum vầy", "Tấm vé nghĩa tình"… với tổng mức hỗ trợ khoảng 500 tỷ đồng. Nhiều Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố cũng đã chi hàng trăm tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa chăm lo Tết cho công nhân lao động.
Đáng chú ý, ngày 2/2/2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Y tế đã thăm, tặng quà các lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân lao động đang cách ly tại TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương). Ðoàn trao hỗ trợ 250 triệu đồng và 10.000 khẩu trang tới lực lượng tuyến đầu chống dịch; tặng công nhân lao động cách ly y tế tập trung tại TP Chí Linh 300 triệu đồng.
Tại tỉnh Bắc Ninh, nơi có hơn 400.000 người lao động, trong đó có hơn 300.000 người đang làm việc tại các khu công nghiệp, phần lớn là người lao động ngoại tỉnh (chiếm 74%), do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến việc làm, thu nhập, đời sống của nhiều đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải, trong năm 2020, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh đã tặng 5.000 suất quà; 400.000 chiếc khẩu trang; 2.000 chai nước rửa tay sát khuẩn; phát 150 tấn gạo và nhu yếu phẩm cho 45.000 công nhân, người lao động. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với nhiều đơn vị triển khai các dịch vụ miễn phí cho 3.500 công nhân, người lao động; cung cấp các dịch vụ giảm giá cho hơn 20.000 công nhân, người lao động...
Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh tổ chức thành công chương trình "Tết sum vầy - Kết nối yêu thương". Thông qua chương trình, đã có hơn 19.000 công nhân, người lao động được thụ hưởng lợi ích từ gian hàng giảm giá, gian hàng 0 đồng. Cũng tại chương trình này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn tỉnh Bắc Ninh đã trao 2.000 suất quà cho đoàn viên, người lao động thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật, mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp; 10.000 vé xe cho công nhân lao động xa quê về đón Tết.
Còn tại tỉnh Hưng Yên, đã có 184 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, dẫn tới 762 lao động bị mất việc làm, trong đó 382 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; 233 lao động được hưởng Bảo hiểm thất nghiệp…
Để khắc phục và chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp và người lao động, ngoài những đối tượng được hưởng trợ cấp của Chính phủ, thời gian qua Liên đoàn Lao động tỉnh đã trao 6.000 suất quà tặng người lao động có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong lao động sản xuất, hỗ trợ những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên cũng đã bàn giao 5 "Mái ấm công đoàn" tặng đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Liên đoàn Lao động tỉnh luôn nhận thức rõ về tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 do đó các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức 1.780 cuộc tuyên truyền, phát hành 80.000 tờ rơi, tặng hàng chục nghìn khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tới đoàn viên, người lao động...
Tại tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 15/4/2021, toàn tỉnh có 20.909 công nhân lao động bị ảnh hưởng, tập trung ở các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, may mặc, da giày, chế biến, chế tạo… Người lao động gặp khó khăn cả về việc làm, thu nhập. Thời gian tới, nhiều doanh nghiệp sản xuất gia công hàng xuất khẩu không có đơn hàng mới, trong khi hàng đã sản xuất bị lưu kho, nên số lượt người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể tăng thêm.
Nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tích cực hỗ trợ cho 1.739 công nhân lao động với tổng kinh phí là 1,739 tỷ đồng; Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành chủ động trích ngân sách công đoàn để hỗ trợ kịp thời người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức vận động quyên góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hệ thống công đoàn với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam cũng đã phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lắp đặt cây ATM gạo, bán hàng giảm giá, phiên chợ 0 đồng; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ, điện, nước sinh hoạt cho đoàn viên, người lao động; thương lượng với người sử dụng lao động để sắp xếp, bố trí các phương án lao động phù hợp, bảo vệ việc làm cho người lao động.
Tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống người lao động
Để từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người lao động, Chính phủ đã chỉ đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền vững. Trong đó, từng bước đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; tập trung đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân. Không ngừng nâng cao mức sống cho công nhân lao động. Cải cách chính sách tiền lương theo hướng tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh là cơ sở để tăng lương. Phát huy trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc không ngừng nâng cao thu nhập và phối hợp với tổ chức công đoàn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Chính phủ khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Chính quyền các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động; đảm bảo an ninh, an toàn nơi ở, nơi làm việc và trên quãng đường từ nơi ở đến nơi làm việc của người lao động.
Với tinh thần "Chống dịch như chống giặc", trong thời gian tới, các cấp Công đoàn trên toàn quốc cần tăng cường tuyên truyền đến đoàn viên và người lao động thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế: Đeo khẩu trang thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác; không tụ tập đông người và thực hiện khai báo y tế trung thực.
Đặc biệt, các cấp công đoàn cần phối hợp với doanh nghiệp thực hiện công tác đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Phối hợp với doanh nghiệp trong việc sắp xếp lại sản xuất, nhân sự, đổi mới quy trình, tìm kiếm thị trường; phát động phong trào thi đua nâng cao năng suất. Phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống công đoàn để dành nguồn lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ đoàn viên và người lao động.
Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người dân, mà còn là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế và thị trường lao động trên toàn thế giới. Trước tình hình đó, Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam tiếp tục có cơ chế, chính sách đảm bảo thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Đồng thời, phía các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về lao động và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm đề ra các giải pháp, biện pháp tốt nhất để tổ chức thực hiện tốt công tác chăm lo cho người lao động giúp người lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh để người lao động an tâm công tác, trách nhiệm với công việc và gắn bó mật thiết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.