Tại cuộc tọa đàm lấy kiến chuyên gia, doanh nghiệp về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia tổ chức mới đây, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam kiến nghị xem xét bỏ quy định “cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng Internet” trong dự thảo luật.
Đại diện Hiệp hội cho rằng, hoạt động kinh doanh rượu, bia hiện không bị cấm bởi bất kỳ văn bản pháp luật nào tại Việt Nam. Internet thực chất chỉ là một công cụ để thực hiện hoạt động kinh doanh. Vì thế, quy định cấm các doanh nghiệp hợp pháp được sử dụng Internet để thực hiện hoạt động kinh doanh là không phù hợp.
PGS.TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát cho biết, mặc dù qui định cấm bán rượu qua Internet đã có từ Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 về sản xuất và kinh doanh rượu, và tiếp đó là trong Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 nhưng thực tế người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng tìm và mua các sản phầm đồ uống có cồn trên mạng. Quy định này chỉ quản lý được những hoạt động bán hàng hợp pháp và chính thống.
Cho đến nay, chưa có bất kì đánh giá nào về tác động và hiệu quả của điều khoản cấm này đối với việc kiểm soát tiêu thụ các sản phẩm rượu.
Theo ông Việt, việc cho phép bán rượu, bia qua Internet có thể giúp cải thiện tính minh bạch và hỗ trợ công tác thu thuế khi việc thanh toán được thực hiện bằng thẻ ngân hàng hoặc chuyển khoản. Từ đó, góp phần nâng cao tính minh bạch của hệ thống thuế.
Trong khi đó, một số ý kiến lại ủng hộ việc cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet nhằm hạn chế việc dễ dàng tiếp cận các sản phẩm này, đặc biệt đối với trẻ em.
Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi năm 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (đại diện cơ quan soạn thảo dự án Luật) cho rằng: Quy định cấm bán rượu bia trên mạng Internet là xu hướng chung theo các chính sách luật hiện nay để giảm sự quảng bá và tính có sẵn với những sản phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay việc quảng cáo, bán rượu bia trên mạng xã hội nhiều, chưa có biện pháp hạn chế đối với trẻ em, thanh thiếu niên. Quảng cáo bia diễn ra phổ biến, tần suất cao, trong các giờ vàng, buổi tối trên sóng truyền hình, phát thanh.
Dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV và sẽ tiếp tục được thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.