Theo ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, đây là cơn mưa lớn và dài nhất trong hơn 1 tháng trở lại đây. Đặc biệt, cơn mưa đến đúng vào thời điểm An Giang đang chịu cái nắng gay gắt 36 - 37 độ C, kéo dài nhiều ngày qua; nhiều địa phương trong tỉnh đã phải chống chọi với nắng nóng “lịch sử”; nhiều kênh mương, sông rạch khô cạn nước, cây cối, hoa màu thiếu nước ngọt, cuộc sống người dân gặp không ít khó khăn.
Đặc biệt, cơn mưa “vàng” đã giúp gần 17.000 ha rừng của tỉnh An Giang đang ở mức cảnh báo cháy rừng cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm được “hạ hỏa” kịp thời, giảm được cấp độ, nguy cơ cháy.
Theo nhiều nông dân tại địa phương, cơn mưa “vàng” không chỉ làm cho thời tiết mát mẻ, không khí, môi trường sống dễ chịu hơn mà còn giúp bù lại lượng nước ngọt cạn kiệt cho diện tích vườn cây ăn trái, rau màu…, giảm được chi phí bơm nước tưới tiêu, công lao động. Hơn 150 nghìn ha lúa Hè Thu 2019 vừa xuống giống đã được bổ sung lượng nước khá nhiều, giảm được chi phí tưới tiêu đáng kể.
Tuy nhiên, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh lưu ý, thời điểm này tại An Giang chưa phải là đầu mùa mưa, do đó người dân cần chủ động quan tâm đến sức khỏe, phòng bệnh cho trẻ em, người già; chủ động ứng phó khô hạn, nhiễm mặn, cháy rừng, nhất là bảo vệ tốt diện tích sản xuất trong mùa khô; khi trú mưa nên vào nhà, không trú mưa dưới gốc cây cao, cột điện… đề phòng sét.
* Chiều cùng ngày, trên địa bàn các huyện phía Tây tỉnh Tiền Giang đã xảy ra một trận mưa to. Đây là cơn mưa to nhất từ đầu mùa khô 2019 đến nay, kéo dài gần 1 giờ đồng hồ đã góp phần giải hạn cho hàng chục ngàn ha trồng cây ăn quả đặc sản thuộc các huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Châu Thành, đặc biệt là sầu riêng chuyên canh. Cơn mưa còn giải bớt cái nắng nóng oi bức cực đoan trong những ngày qua, giúp không khí mát mẻ, người dân rất phấn khởi.
Theo anh Nguyễn Minh Hiếu, chủ vườn chuyên canh sầu riêng rộng 0,3 ha, vườn sầu riêng đang chuẩn bị vào xử lý vụ nghịch nhưng mấy hôm nóng bức và khô hạn nên anh chưa dám xử lý, sợ cây bị suy kiệt, thất mùa. Cơn mưa chiều nay kéo dài, lại rất to còn quý hơn "vàng" bởi khu vườn ướt đều, cây trồng mát mẻ. Vài hôm nữa, anh bắt tay vào xử lý vụ nghịch chắc chắn sẽ bội thu.
Đặc biệt, cơn mưa "vàng" còn góp phần bổ sung nguồn nước quan trọng tưới, chống hạn cho trà lúa Xuân Hè tại địa phương.
Theo ông Trương Văn Cho, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, trong vụ Xuân Hè 2019, nông dân Tiền Giang xuống giống 35.035 ha, chủ yếu tập trung tại các huyện, thị vùng phía Tây. Trà lúa chủ yếu giai đoạn đẻ nhánh 18.917 ha, đứng cái 16.118 ha đang rất cần nước tưới tiêu nên cơn mưa to trái mùa này vô cùng quý giá.
Trước đó, để đối phó hạn mặn trong mùa khô 2019, phục vụ sản xuất vụ Xuân Hè và Hè Thu, Tiền Giang yêu cầu các địa phương tập trung cho công tác thủy lợi, nạo vét kênh mương, khai thông dòng chảy, hoàn thiện mạng lưới thủy lợi nội đồng nhằm đưa nước tưới tiêu đảm bảo sản xuất. Những địa bàn quá khó khăn có thể chuyển đổi sang các cây trồng phù hợp, tiết kiệm được nguồn nước bơm tát vừa đảm bảo hiệu quả cho nông dân.