Theo quan sát của chúng tôi, mặt đường QL 14 đoạn qua khu vực này bị đơn vị thi công băm nát, đá dăm nằm ngổn ngang cùng với đất cát đọng thành từng lớp, dày cộm.
Cánh tài xế và hàng ngàn người dân đang phải chịu đựng những trận bụi mù trời mỗi khi có một chiếc xe đi qua trên đoạn quốc lộ 14 (QL14) từ phường Yên Thế (TP Plâycu) đến thị trấn Phú Hòa (Chư Păh, Gia Lai) từ nhiều tháng nay.
QL 14 đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai được xem là tuyến đường huyết mạch có giá trị không chỉ về lưu thông mà nó còn được xem là cầu nối kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, tuyến đường này đang trong quá trình thi công nhưng rất chậm, khiến hàng ngàn người dân xã Nghĩa Hưng (Chư Păh, Gia Lai) phải sống chung với bụi và nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập bởi lượng xe cộ qua lại luôn đông đúc.
Bà Trần Thị Thêu (56 tuổi), nhà gần nhà máy xi măng cho biết: “Trước đây, khói bụi từ nhà máy xi măng thải ra đã khiến chúng tôi không chịu nổi, bây giờ đơn vị thi công tiến hành làm đoạn đường này khiến bụi bay tứ tung. Chỉ một tiếng đồng hồ thôi là nhà cửa vừa lau rửa sạch sẽ đã bị phủ một lớp bụi dày. Mâm cơm vừa bưng ra là bụi bay vào, vừa ăn cơm vừa ăn bụi!.
Người dân sống và đi lại vô cùng vất vả trên con đường bụi bay mù mịt như thế này. |
Theo quan sát của chúng tôi, mặt đường QL 14 đoạn qua khu vực này bị đơn vị thi công băm nát, đá dăm nằm ngổn ngang cùng với đất cát đọng thành từng lớp, dày cộm. Trong khi đó, xe quá tải, xe khách vẫn lưu thông với tốc độ cao nên luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Đặc biệt mỗi khi có phương tiện lưu thông qua lại là bụi tung mù mịt.
Nhiều người dân tại đây cho biết, từ khi dự án cải tạo và nâng cấp QL 14 khởi công cũng là lúc các gia đình bắt đầu chung sống với… bụi. Giường chiếu, chăn màn, bàn ghế… lúc nào cũng bụi phủ mờ. Mỗi lần soi gương phải lấy giẻ lau bụi trước. Thậm chí cốc nước mới rót mời khách, phút chốc đã sóng sánh bụi. Ông Phạm Anh Tuấn (47 tuổi) cho biết: “Ngày nào cũng thế, khi cả nhà ăn cơm, dù đã đóng kín hết các cửa kính, cửa sổ thì trong miệng vẫn có cảm giác cồm cộm sạn. Mâm cơm, bát canh vừa bưng ra, gặp cơn gió là nhuốm bụi chẳng còn muốn ăn nữa!”
Việc kinh doanh của các hộ gia đình cũng chật vật vì đường thi công chậm. Do phần đường trước nhà bị đào lên làm hệ thống thoát nước nhưng không lấp lại, khiến cả một đoạn đường dài 15 km trông như một giao thông hào, khách khứa đến mua bán thưa hẳn, thậm chí có ngày không buôn bán được gì. Cả dãy cửa hàng đoạn ngã tư Biển Hồ Chè này đều phải bắc cầu gỗ lấy lối đi tạm. “Mình đi còn khó, khách ai còn muốn vào, nên việc sinh sống, làm ăn của chúng tôi thời gian qua khó khăn lắm!”, chủ một tiệm sửa chữa điện thoại cho biết.
Đi trên “con đường đau khổ”, dễ thấy những người đi đường ai nấy mặt bịt kín bưng. Nhiều người dân ở xã Nghĩa Hưng bức xúc cho biết: “Chừng nào chưa đẩy nhanh tiến độ thi công, chừng đó người dân còn khổ với con đường này. Ngày nào cũng chứng kiến cảnh người và xe nhấp nhổm, dập dềnh lúc như trên núi, khi như ở giữa sa mạc, bụi đất mù trời mà thấy chán nản! Giá như bên thi công chịu khó cho các xe bồn chở nước đi tưới đường thì người dân cũng đỡ. Đằng này họ bỏ mặc người dân phải sống chung với bụi!”…
Bài và ảnh: Hữu Cường