Còn đó nỗi lo trẻ em đuối nước

Số vụ trẻ em tử vong do đuối nước đã giảm, nhưng vẫn còn đó nỗi lo thiếu an toàn trong việc phòng chống tai nạn đuối nước. Đó là ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết sau 1 năm triển khai kế hoạch liên tịch về phòng chống đuối nước trẻ em, diễn ra ngày 11/9, tại Hà Nội.


Vẫn còn lơ là


Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - LĐ,TB&XH) cho biết: “Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước còn cao, là nhận thức kém của gia đình và cộng đồng; dẫn tới bất cẩn, chưa quan tâm thấu đáo đến việc phòng tránh. Như gần đây nhất, vào ngày 3/9, tại trường mầm non Nghi Trường (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), cháu Nguyễn Doãn Nhân, sinh năm 2011, đã tử vong vì rơi xuống bể nước không có nắp đậy với độ sâu 0,9 m của công trình đang xây dựng chưa được bàn giao. Những tai nạn thương tâm trên sẽ được giảm bớt nếu có những cảnh báo và quan tâm của người lớn”.


 

Trẻ em chơi đùa trên sông nước rất nguy hiểm (ảnh chụp tháng 8/2013 tại huyện Ninh Phước, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thủy- TTXVN

 

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát đường thủy (Bộ Công an) đánh giá: “Bên cạnh sự lơ là của người lớn, thì còn một nguyên nhân là trẻ em nhiều vùng còn thiếu kỹ năng phòng chống đuối nước. Vụ tai nạn đường thủy của 6 học sinh tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) cho thấy, dù nước chỉ ngập quá ngực, nhưng các em vẫn bị đuối nước. Và có thực tế tỷ lệ trẻ em vùng miền núi bị đuối nước nhiều hơn vùng sông nước. Do đó cần phải trang bị cho trẻ em kỹ năng phòng đuối nước qua các lớp học bơi. Đồng thời, tại hơn 700 xã có bến đường thủy, các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền và cấp phát áo phao cho học sinh khi đi đò, xây dựng văn hóa giao thông gắn với bình yên sông nước.


Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất trong khu vực. Thống kê năm 2010 cho thấy, trong số 7.000 trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ em, có hơn 3.000 trường hợp bị đuối nước. Năm 2011, Bộ LĐ,TB&XH cùng với các bộ ngành, đoàn thể xây dựng Kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012-2015; trong đó mục giảm 1/4 số trẻ em bị tử vong đuối nước so với năm 2010.


Thúc đẩy xã hội hóa


Ông Nguyễn Trọng An cho biết: Việc tuyên truyền phòng tránh tử vong do đuối nước cần được đẩy mạnh trong cộng đồng, như qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, tổ dân phố, cụm dân cư... Bên cạnh đó cần mở các lớp dạy bơi tại trường học và cộng đồng. Thực tế, việc dạy bơi tại các trường học trong thời gian qua đã được triển khai tích cực nhưng còn khó khăn về kinh phí. Chính vì vậy, việc xã hội hóa thu hút nguồn lực trang bị kỹ năng dạy bơi cho trẻ.


Điều này có thể thấy qua cách làm của Đà Nẵng. Sở Giáo dục Đào tạo Đà Nẵng đã phối hợp với tổ chức TASC, Trường Đại học Y tế cộng đồng Hà Nội lắp đặt 11 bể bơi di động tại các trường tiểu học, kết hợp với các bể bơi tại bãi biển, để dạy bơi cho khoảng 6.000 học sinh tiểu học/năm. Các em được trang bị kỹ năng về lội, bơi và cứu nạn. Nhờ vậy tỷ lệ tử vong do đuối nước trẻ em Đà Nẵng đã giảm rõ rệt.


Còn tỉnh Hà Tĩnh triển khai mô hình dạy bơi cho trẻ em tại cộng đồng. Điển hình là mô hình “CLB bơi lặn Trung Lĩnh” do thầy giáo Lê Văn Tùng làm chủ nhiệm, dạy vào mỗi dịp hè, đã dạy bơi cho trên 300 em ở xã Cẩm Trung, Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên). Từ mô hình này, tỉnh Hà Tĩnh nhân rộng ra các xã kết hợp với dạy bơi thí điểm cho học sinh tại các trường. Do đó, năm 2011, từ 41 trẻ em bị tử vong do đuối nước đã giảm xuống còn 23 em vào năm 2012 và 8 tháng năm 2013 là 26 em.


Xuân Cường

Số trẻ em tử vong do đuối nước có xu hướng giảm
Số trẻ em tử vong do đuối nước có xu hướng giảm

Tình hình tử vong do đuối nước ở trẻ em đã có xu hướng giảm so với năm 2010 nhưng vẫn còn ở mức cao. Theo thống kê, năm 2012 có khoảng 1.708 em tử vong do đuối nước trong tổng số 2.769 trường hợp tử vong do tai nạn thương tích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN