Hội thảo là cơ hội để các đại biểu đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn các loài rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025, giới thiệu một số kết quả, giải pháp, mô hình bảo tồn rùa biển và thú biển. Hội thảo đưa ra định hướng, đề xuất các giải pháp bảo tồn rùa biển và thú biển thời gian tới.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Cục Kiểm ngư cho biết, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn các loài rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu ít nhất 5% số tàu nghề lưới rê và 10% số tàu nghề lưới kéo sử dụng thiết bị thoát rùa (TED), 100% nơi sinh cư của rùa biển được bảo vệ; hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách bảo tồn và cơ sở dữ liệu về rùa biển từ Trung ương đến địa phương.
Ngành Nông nghiệp tổ chức nhiều hoạt động thực hiện Kế hoạch, cụ thể như: Xây dựng báo cáo các nội dung liên quan đến việc bảo tồn thú biển tại Việt Nam, trong đó đã cung cấp thông tin về nhóm loài thủy sản khai thác, chế biến, nuôi trồng xuất khẩu sang Hoa Kỳ; đề xuất nhiệm vụ môi trường thực hiện điều tra, đánh giá sơ bộ tỉ lệ khai thác không chủ ý các loài thú biển của nghề khai thác hải sản, đề xuất biện pháp quản lý nhằm giảm thiểu tỷ lệ khai thác không chủ ý và bảo tồn thú biển; xây dựng quy trình kỹ thuật cứu hộ các loài thú biển; xây dựng dự thảo, lấy ý kiến góp ý của cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ…
Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác Quốc tế, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo thông tin, Ban Quản lý là một trong những đơn vị triển khai mô hình bảo vệ rùa biển hiệu quả nhất. Giai đoạn 2020 - 2022, Vườn Quốc gia Côn Đảo ghi nhận có 2.347 cá thể rùa mẹ về vùng biển này làm tổ đẻ trứng, trung bình 782±129 rùa mẹ/năm, tăng 42,24% so với giai đoạn (2017 - 2019); năm 2022 là năm rùa mẹ về đẻ nhiều nhất (909 rùa mẹ) kế đến là năm 2020 (786 rùa mẹ), thấp nhất năm 2021 (652 rùa mẹ).
Tổng số lượng tổ rùa cứu hộ thành công giai đoạn năm (2020 - 2022) là 7.075 tổ, trung bình 2.358 ± 389,68 tổ/năm, tăng 42,76% so với giai đoạn (2017 - 2019). Địa điểm rùa biển lên bãi đẻ trứng nhiều nhất là Bảy Cạnh 4.851 tổ; kế đến là Hòn Cau 747 tổ; hòn Tre Lớn 732 tổ; Bãi Dương 495 tổ, Hòn Tài 162 tổ; các địa điểm còn lại 88 tổ. Sáu tháng đầu năm 2023, có 1.028 tổ được cứu hộ và ấp nở nhân tạo.
Tổng lượng trứng rùa cứu hộ ghi nhận giai đoạn (2020 - 2022) là 671.601 trứng, trung bình 223.867 ± 40.272 trứng/năm. Đã ấp nở di chuyển thả về biển là 503.069 cá thể rùa con, trung bình 167.690±41.576 rùa con/năm, tăng 53,04% so với giai đoạn (2017 - 2019). Tỷ lệ rùa nở và thả về biển đạt 76,98%...
Vườn Quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên nghiên cứu và ứng dụng mô hình bảo tồn rùa biển hiệu quả, phù hợp điều kiện Việt Nam, từ đó có thể áp dụng cho các vùng khác trong nước. Từ những kết quả trên, Côn Đảo đã trở thành vùng bảo tồn rùa biển quan trọng của Việt Nam, khu vực và toàn cầu.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng khó khăn hiện nay là kinh phí cho việc thực hiện nhiệm vụ, dự án hạn chế dẫn đến nhiều nội dung chưa triển khai hoặc thực hiện không đồng bộ nên hiệu quả không cao; Kế hoạch bảo tồn rùa biển còn thiếu nội dung kiểm soát, ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp, xử lý vi phạm các đối tượng buôn bán rùa biển; chưa có vai trò rõ rệt của lực lượng thực thi pháp luật như: Cảnh sát môi trường, Hải quan, Quản lý thị trường, Quân đội, Kiểm ngư… Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng nghiêm trọng, trong đó khai thác hải sản là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái biển, đặc biệt là rùa biển và các loài quý hiếm khác.
Các bãi rùa đẻ đang bị xâm hại do biến đổi khí hậu và sóng biển. Diện tích Vườn Quốc gia Côn Đảo quản lý đang bị tình trạng xói, lở. Cụ thể, các bãi cát phía Tây Bắc của đảo lớn như Đất Thắm, Bãi Bàn, Đầm Trầu nhỏ, Ông Cường, Ông Câu… và bãi cát các đảo nhỏ gồm Hòn Tre lớn, Hòn Tài, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau... bị xói, lở làm mất dần sinh cảnh sinh sản của loài rùa biển quý hiếm được bảo vệ toàn cầu.
Nhiều đại biểu tham gia Hội thảo cho rằng, thời gian tới để thực hiện tốt công tác bảo vệ rùa biển và thú biển, cơ quan chức năng cần triển khai nhiều hoạt động cụ thể như: xác lập rõ vai trò, trách nhiệm phối hợp của các lực lượng thực thi pháp luật trong việc xử lý trường hợp vi phạm về bảo tồn rùa biển; triển khai hoạt động truyền thông bảo tồn rùa biển thông qua Đề án truyền thông bảo tồn rùa biển; xã hội hóa công tác cứu hộ, tái thả rùa biển. Trước mắt ưu tiên triển khai các trạm cứu hộ mini ở một số địa phương có phân bố rùa biển, từ đó tiến tới thiết lập trạm cứu hộ rùa biển tại khu vực trọng điểm nghề cá.
Bên cạnh đó, tiếp tục điều tra, đánh giá, lập bản đồ hiện trạng về rùa biển, nơi sinh cư và đề xuất giải pháp bảo tồn rùa biển; nghiên cứu di truyền quần thể rùa biển Việt Nam; ứng dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh (PhotoID) để nhận diện rùa biển; thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động quản lý và bảo tồn các loài thú biển ở Việt Nam; thiết lập khu bảo tồn biển theo Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác thủy sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo vệ khu vực kiếm ăn, di cư của rùa biển trong mùa sinh sản.
Sau khi tham dự Hội thảo, các đại biểu có chuyến đi thực tế khảo sát công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng và tham quan công tác bảo tồn rùa biển tại Hòn Bảy Cạnh - Vườn Quốc gia Côn Đảo.