Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chương trình, kế hoạch hành động bảo tồn các loài Rùa biển. Vườn Quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) là nơi đầu tiên của nước ta thực hiện thành công chương trình bảo tồn Rùa biển.
Nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công bảo tồn Rùa biển
Việt Nam có đường bờ biển trải dài hơn 3.260 km cùng hàng ngàn đảo xa bờ, là nơi cư trú của nhiều loài Rùa biển như: Rùa da, Rùa xanh/Vích, Đồi mồi, Quản đồng và Đồi mồi dứa… Các loài vật này hiện đang được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã hình thành khu bảo tồn biển với các hoạt động cứu hộ Rùa biển, bảo vệ các bãi đẻ, trứng rùa,… điển hình như Côn Đảo.
Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo chia sẻ, từ năm 1987, Côn Đảo đã có thông báo cấm di chuyển các loại thú rừng, Đồi mồi, Vích, kể cả các sản phẩm được chế biến từ các loài thú đó ra khỏi Côn Đảo. Năm 1989, huyện Côn Đảo ban hành Chỉ thị về việc bảo vệ ngư trường, tài nguyên thiên nhiên, môi trường ở các bãi biển và vùng biển xung quanh Côn Đảo. Từ năm 1994, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã triển khai Chương trình bảo tồn rùa biển với ba nội dung chủ yếu: Nghiên cứu đặc tính sinh thái học của rùa biển; Bảo vệ sinh cảnh làm tổ và các tổ trứng; Xây dựng trại giống. Các chương trình hành động cụ thể là đeo thẻ, đeo máy định vị vệ tinh, đo đạc kích thước rùa biển; tuần tra, kiểm soát, san lấp vệ sinh bãi đẻ, di dời các tổ trứng đến nơi an toàn, tạo trạm ấp trứng an toàn, kiểm tra và thả rùa con về biển.
Vườn Quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn Rùa biển. Số lượng Rùa biển về đẻ trứng tại Côn Đảo chiếm khoảng 90% số lượng Rùa biển của Việt Nam. Hằng năm, trên 400 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn Quốc gia làm tổ, đẻ trứng. Vào mùa cao điểm, một số bãi biển lớn như: Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tre Lớn, mỗi đêm có 10 - 20 rùa mẹ lên làm tổ, có khoảng 150.000 rùa con được cứu hộ, nở và thả về biển. Vào những tháng cao điểm mùa Rùa biển đẻ trứng, mỗi đêm khoảng 40 cá thể rùa mẹ đẻ trứng tại 18 bãi biển thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Với thành công của hoạt động bảo tồn Rùa biển, Côn Đảo đã trở thành vùng bảo tồn Rùa biển quan trọng của Việt Nam, khu vực và toàn cầu. Ghi nhận những thành công, đóng góp trong công tác bảo tồn, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã hai lần xác lập kỷ lục cho Vườn Quốc gia Côn Đảo vào năm 2009 các danh hiệu: “Nơi nuôi ấp và thả về thiên nhiên nhiều rùa biển nhất Việt Nam”; “Vườn quốc gia duy nhất ở Bà Rịa-Vũng Tàu có đầy đủ các dạng sinh thái”. Vườn Quốc gia Côn Đảo là đơn vị đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên mạng lưới “Bảo tồn Rùa biển khu vực Ấn Độ Dương – Đông Nam Á” (IOSEA), trở thành tổ chức thứ 11 của mạng lưới này.
Đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn loài sinh vật biển nguy cấp của toàn thế giới
Ông Nguyễn Khắc Pho cho biết, một cơ sở pháp lý để tiếp tục bảo vệ, bảo tồn hiệu quả rùa biển ở Côn Đảo là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 811 phê duyệt Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025. Mục tiêu đặt ra là bảo tồn, bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng tại Việt Nam. Đến nay, hoạt động bảo vệ Rùa biển là một thành công nổi bật của Vườn Quốc gia Côn Đảo. Hoạt động này đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo tồn loài sinh vật biển nguy cấp của toàn thế giới. Ngoài ra, các điểm bảo tồn rùa đang trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đã thu hút được nhiều du khách đến với Côn Đảo, góp phần kích cầu phát triển kinh tế địa phương.
Vườn Quốc gia Côn Đảo có 18 bãi cát có Rùa mẹ lên đẻ trứng. Trong đó, chỉ có 5 bãi gần các Trạm Kiểm lâm, thuận lợi cho công tác bảo vệ, di dời có thể làm hồ ấp cố định. Số còn lại là các bãi xa Trạm Kiểm lâm khó khăn cho công tác bảo vệ, di dời phải làm hồ ấp tạm thời hoặc dời về hồ ấp cố định. Vào mùa Rùa đẻ trứng, một số bãi xa phải làm chốt bảo vệ tạm thời để trực bảo vệ.
Năm 2021, Vườn Quốc gia Côn Đảo ghi nhận Rùa biển lên các bãi đẻ xung quanh Côn Đảo quanh năm từ tháng 1 đến tháng 11. Tuy nhiên, mùa đẻ trứng tập trung từ tháng 6 đến tháng 10. Số liệu thống kê đến ngày 20/11/2021 đã ghi nhận được 1.956 tổ trứng được đẻ trên 13 bãi trong Vườn Quốc gia Côn Đảo và ước tính có 647 Rùa mẹ lên bãi làm tổ. Vườn Quốc gia Côn Đảo tiến hành bấm thẻ và theo dõi tại 5 bãi đẻ được 305 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ thành công 932 tổ.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã ban hành Quy định Bảo vệ sinh cảnh, bãi đẻ của Rùa biển gắn với hoạt động sinh thái Vườn Quốc gia Côn Đảo. Quy định này được thực hiện nhằm mục đích tăng cường bảo vệ Rùa mẹ, Rùa con mới nở và trứng trên các bãi đẻ; hạn chế ở mức thấp nhất sự bất lợi từ tự nhiên và con người ảnh hưởng đến Rùa mẹ, sức sinh sản của chúng ở các trạm bảo tồn và một số bãi theo dõi; nghiên cứu các đặc tính sinh thái và đặc tính sinh vật học để bảo tồn chúng được tốt hơn.
Kỹ sư Nguyễn Văn Vững, Phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế - Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo chia sẻ: “Trong công tác bảo tồn Rùa biển, việc làm hết sức quan trọng là di chuyển trứng Rùa biển từ nơi Rùa mẹ làm tổ đẻ đến môi trường an toàn, ấp nở chúng và thả những cá thể Rùa con về đại dương”.
Phụ trách công tác bảo vệ, kiểm soát bãi đẻ và số lượng trứng tại Hồ ấp trứng Rùa trong khu Six Senses Côn Đảo Resort, anh Trần Hiếu Thiện, Trưởng Ban An toàn – An ninh Six Senses Côn Đảo Resort chia sẻ, du khách trong và ngoài nước cảm thấy rất thích thú, vui khi chứng kiến việc những cá thể Rùa con về với tự nhiên. "Ở đây, chúng tôi bảo quản được trứng, các cá thể rùa con một cách nghiêm ngặt. Thông qua hoạt này, chúng tôi có thể tuyên truyền đến người dân và du khách ý thức bảo vệ Rùa biển. Sau 3 năm thực hiện, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận thấy mô hình này tốt nên tiếp tục cho chúng tôi cùng Vườn Quốc gia Côn Đảo duy trì mô hình này giai đoạn 2021-2025", anh Trần Hiếu Thiện chia sẻ.
Năm 2022, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo triển khai kế hoạch quản lý bảo tồn Rùa biển, thực hiện vệ sinh, san lấp bãi tạo điều kiện thuận lợi cho rùa mẹ lên đẻ trứng và bảo vệ, kiểm tra, theo dõi rùa mẹ lên đẻ trứng; tăng cường kiểm tra, theo dõi rùa mẹ lên bãi đẻ trứng; tổ chức di dời trứng sau khi rùa mẹ đẻ xong lên hồ ấp trứng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý phối hợp cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Côn Đảo Resort triển khai hương án phục hồi và bảo tồn bãi đẻ Rùa biển tại Đất Dốc gia đoạn 2021-2025, phối hợp với Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên tại Việt Nam tổ chức chương trình tình nguyện viên bảo tồn Rùa biển 2022.