Cơ sở tranh cát Phi Long: Mái ấm của những người khuyết tật

Những học viên của cơ sở tranh cát Phi Long tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) có cách nói chuyện rất đặc biệt: Ra ký hiệu bằng tay. Bà Đặng Thu Hà, Giám đốc cơ sở cho biết, các em học và làm việc tại đây đều là những em khuyết tật. Giảng viên và cũng là người điều hành cơ sở tranh này là anh Đỗ Đặng Phi Long (con trai bà Đặng Thu Hà), cũng là người khuyết tật.

Vì người khuyết tật

Từ nhỏ, Phi Long đã thể hiện năng khiếu vẽ và gia đình cũng đã tạo điều kiện cho em theo học hội họa. Tình cờ, trong dịp lễ hội tại Bình Thuận năm 2005, Phi Long bị cuốn hút bởi những tác phẩm tranh cát của họa sĩ Ý Lan và quyết tâm tìm đến cơ sở của nghệ sĩ này ở TP Hồ Chí Minh xin học nghề. Sau thời gian học nghề, Phi Long về nhà, bày tỏ nguyện vọng muốn mở cơ sở làm tranh cát và dạy nghề cho các bạn đồng cảnh ngộ.

Bà Đặng Thị Thu Hà cho biết: “Thấy con có mong muốn giúp những người cùng cảnh ngộ, tôi rất mừng. Cả gia đình đã dốc hết tâm huyết xây dựng cơ sở tranh cát Phi Long. Thời gian đầu gây dựng cơ sở rất khó khăn bởi không có vốn, tôi lập dự án đến vay ngân hàng, họ xuống thẩm định và không đồng ý cho vay với lý do dự án không khả thi, bởi người khuyết tật như vậy thì kinh doanh thế nào được? Với mong muốn có cơ sở để giúp người khuyết tật như con mình sống được bằng lao động chân chính, tôi đã phải đi vay tiền bên ngoài với lãi suất 16%/năm. Sau này, được sự giúp đỡ của tỉnh, ngành chức năng, cơ sở được tỉnh Bình Thuận cấp đất, hỗ trợ một phần kinh phí trong đào tạo nghề. Ngoài ra, nhiều nhà hảo tâm cũng đã giúp thêm để các em ổn định cuộc sống”.

Các em khuyết tật đang làm tranh cát.


Những người khuyết tật từ mọi miền đã tìm đến cơ sở tranh cát Phi Long xin được học nghề. Có những em đến từ Thái Bình, Hà Tĩnh, Bạc Liêu...

Bà Hà cho biết, mình “ngoại đạo” về nghệ thuật nên chỉ giúp quản lý cơ sở về hành chính, trực tiếp nấu cơm, chăm sóc các em khuyết tật. “Các khoản thu chi luôn được minh bạch để các em khuyết tật có lòng tin. Sản phẩm bán được đều chia theo sự đóng góp công sức của từng người”, bà Hà cho biết.

Ngôi nhà chung

Bà Hà tâm sự: “Các em khuyết tật đến đây đều có những tài năng nhất định. Những em nào chịu khó, tỉ mỉ và quyết tâm theo nghề thì chỉ cần học 3 - 4 tháng là nắm vững nghề và làm thành thạo. Thông thường, khi mới học vẽ, các em thường vẽ phong cảnh làng quê, con vật... Những bức tranh này do các em tự sáng tác với sự cố vấn của những anh chị đi trước. Những bức tranh cát nhỏ, các em làm chỉ trong 1 - 2 ngày. Khó nhất là tranh cát chân dung thường mất vài ngày, thậm chí mất cả tuần bởi phải làm sao để thể hiện thần thái trên khuôn mặt. Quả thật, quan sát các em làm việc mới thấy sự tỉ mẩn và năng khiếu vẽ tranh của của các em khuyết tật nơi đây. Ngồi thành dãy bàn, trước mặt là những chiếc ly thủy tinh đặt trên cái bàn xoay nhỏ. Chăm chú quan sát tấm ảnh mẫu treo trước mặt, bằng động tác chuẩn xác nhất, các em múc cát bằng chiếc thìa nhỏ trong những cái chén cho vào ly thủy tinh. Những bức tranh sống động dần hiện ra rất có hồn.

Hiện cơ sở có khoảng 70 em; trong đó tại cơ sở chính có 35 em đang học nghề và vẽ, các em còn lại được bố trí tại các điểm, cơ sở du lịch vẽ tranh theo yêu cầu của khách.

Phan Thiết ngày càng nhiều du khách tham quan, nghỉ dưỡng hơn nên loại hình nghệ thuật tranh cát mới mẻ này được khách nước ngoài rất ưa chuộng. Du khách khi tham quan phòng tranh cát ở Phan Thiết hay Mũi Né, thường thích những tranh về phong cảnh biển hay đặt làm tranh chân dung để làm kỷ niệm. Nhất là những bức tranh lại được làm từ những người khuyết tật lại càng được họ trân trọng bởi sự vươn lên vượt khó của chính các em. Hàng ngàn bức tranh cát từ những đôi tay của các em đã và đang có mặt nhiều nơi trên thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh VN với bè bạn năm châu.

Bài và ảnh:Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN