Cò nhạn quý hiếm 'đậu bến' Vườn chim Bạc Liêu

Ban Quản lý Vườn chim Bạc Liêu cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, tại Vườn xuất hiện khoảng 200 con cò nhạn (hay còn gọi là cò ốc) quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam về cư trú.

Chú thích ảnh
Cò nhạn quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Qua quan sát, cò nhạn có trọng lượng từ 1 - 1,6 kg/con, chiều cao khoảng 50cm, chiều dài sải cánh hơn 1m. Theo các chuyên gia, loài cò nhạn nằm trong Sách đỏ Việt Nam ở mức nguy cấp, vì nguy cơ tuyệt chủng loài này rất cao.

Theo các chuyên gia, cò nhạn thường sống ở các nước trên khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Ở nước ta, cò nhạn cũng chỉ xuất hiện ở một vài nơi như miền Tây Nam Bộ và Tây Ninh với số lượng không nhiều.

Đặc tính loài cò này tương đối hiền lành, nên dễ bị người dân địa phương săn bắn khi chúng kiếm ăn trên đồng ruộng. Loài này có đặc điểm sống định cư nhưng do vùng sinh sống và nơi tìm kiếm thức ăn thu hẹp nên chúng phải di cư tới vùng khác. Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thủy sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn.

Theo nhận định của Ban Quản lý Vườn chim Bạc Liêu, thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn khu rừng Vườn chim Bạc Liêu có kết quả tốt, tạo môi trường “an toàn” cho các loài chim về trú ngụ, sinh sản, nhân đàn ngày một nhiều. Đặc biệt, hệ thực vật Vườn chim Bạc Liêu tạo nên một quần thể đa dạng sinh học rất độc đáo, là môi trường lý tưởng cho các loài chim đến trú ngụ, trong đó có không ít loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Nhằm đảm bảo môi trường an toàn cho các loài chim, động vật trú ngụ, Ban Quản lý Vườn chim Bạc Liêu tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đề phòng nghiêm cấm các hoạt động xâm hại vùng trú ngụ, vùng tìm kiếm thức ăn và các hoạt động săn bắn chim còn dưới bất cứ hình thức. Đồng thời, Ban Quản lý Vườn phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên tuyền, vận động nhân tích cực tham gia trong công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là phòng, chống cháy rừng mùa khô…

Vườn chim Bạc Liêu thuộc địa bàn phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, (Bạc Liêu) rộng 130 ha, có hơn 100 loài chim, cò, lượng cá thể lên đến hơn 60 nghìn con; trong đó, có nhiều loài chim quý hiếm được ghi vào Sách đỏ thế giới như bồ nông chân xám, giang sen, điêng điểng, cò quăm đầu đen, cốc đế… Ngoài ra, Vườn còn có 150 loài động vật, 109 loài thực vật tạo nên một quần thể đa dạng sinh học rất độc đáo.

Vườn chim Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là “Khu bảo tồn loài  - Sinh cảnh”, tháng 10/2014. Đặc biệt, Vườn chim Bạc Liêu là một trong số ít vườn chim nằm trong địa bàn thuộc thành phố hiếm có của Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.

Huỳnh Sử (TTXVN)
Bảo tồn đàn cò nhạn quý hiếm tại rừng tràm Gáo Giồng, Đồng Tháp
Bảo tồn đàn cò nhạn quý hiếm tại rừng tràm Gáo Giồng, Đồng Tháp

Từ đầu năm 2018 đến nay, đàn cò nhạn về sinh sống ở rừng tràm Gáo Giồng thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp ngày càng nhiều, lên đến hơn 100 ngàn cá thể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN